Bitcoin: Những cảnh báo bị bỏ qua và hậu quả nhãn tiền
Những ngày đầu tháng 2-2018, giá đồng Bitcoin và các đồng tiền ảo khác lại một lần nữa giảm mạnh, xuống hơn 10%, chạm mốc thấp nhất trong hai tháng là 6.986 USD một đơn vị.
Ảnh minh họa đồng Bitcoin. Ảnh: Reuters |
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11-2017, Bitcoin sụt về dưới 7.000 USD một đơn vị. Với mức giá này, đồng Bitcoin đã giảm 60% chỉ sau hai tháng so với con số kỷ lục 20.000 USD/đơn vị đạt được trong tháng 12-2017. Theo bảng danh sách của Coinmarketcap, 100 đồng tiền ảo top đầu đều giảm nhanh vào ngày 5-2, trong đó có một vài đồng giảm đến 24% giá trị.
Trước đó, theo lời cảnh báo của nhà kinh tế học Peter Schiff, người từng nổi danh với lời dự báo về vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, đối với những nhà đầu tư vừa mua tiền ảo Bitcoin khi giá đang tăng, họ sẽ chính thức mất tất cả mọi thứ một khi quả “bong bóng” này vỡ tan. Nhà đầu tư này này cho rằng Bitcoin là một “tài sản số rủi ro” và khi giá của nó ngừng tăng, nó sẽ biến thành một vụ nổ bong bóng.
Trong một diễn biến liên quan, gần như những ngân hàng lớn trên thế giới đều ra lệnh cấm khách hàng mua tiền ảo Bitcoin. Hàng loạt các ngân hàng thuộc Tập đoàn Lloyds Banking Group, gồm Ngân hàng Lloyds, Ngân hàng Scotland, Halifax và MBNA… đã cấm khách hàng mua bitcoin qua thẻ tín dụng, từ đó ảnh hưởng tới 8 triệu người dùng thẻ tín dụng trong tập đoàn.
Trong khi đó, một số nhà điều chỉnh luật tại Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ sử dụng tiền ảo. Hai quốc gia có số dân đông nhất thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ - đã áp dụng một số biện pháp nghiêm ngặt lên thị trường tiền kỹ thuật số. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley thông báo cấm ban hành và sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác. Chính phủ Ấn Độ không công nhận tiền ảo là loại tiền tệ hợp pháp.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của ông lớn ngân hàng Mỹ JP Morgan Chase và BoA khẳng định: “Tại thời điểm này, chúng tôi không thực hiện việc mua tiền ảo qua phương thức dùng thẻ tín dụng, vì lí do lo sợ xảy ra biến động và nguy cơ. Chúng tôi sẽ xem xét lại vấn đề này khi thị trường phát triển hơn”.
Phản ứng mới của các ngân hàng lớn ở Mỹ trước thị trường biến động nhằm hạn chế sự liên quan giữa khách hàng của họ với đồng Bitcoin. Giới quan sát cho rằng với động thái này, các ngân hàng khác sẽ theo chân những ông lớn và áp đặt các lệnh cấm lên việc mua bán đồng tiền ảo.
Theo ông Aaron Lasher - Giám đốc Marketing của công ty Ứng dụng Bread - một công ty mua bán tiền ảo, các ngân hàng đang bắt đầu nhận ra sự thực là Bitcoin có thể trở thành mối đe dọa thực sự đối với công việc kinh doanh của các họ.
Thước đo quan trọng nhất để đánh giá hoạt động kinh doanh của một ngân hàng là số lượng tài sản của khách hàng mà ngân hàng thay mặt quản lý (AUM). Nguồn vốn đóng vai trò là “dòng huyết quản” nuôi dưỡng hoạt động đầu tư và buôn bán của ngân hàng. Không có nó, đồng nghĩa với việc ngân hàng không thu được lợi nhuận.
Trong một thế giới mà đồng tiền làm công cụ mua bán ở dạng tiền mặt hoặc tiền ký gửi, phần lớn mọi người chọn giữ tiền trong ngân hàng, do an toàn hơn, phương thức quản lý tiện lợi hơn và còn nhận được tiền lãi suất.
Tuy nhiên, với sự đổi mới của tiền ảo, dễ tìm chỗ dự trữ, không mất công phải mang theo và nhanh chóng được chấp thuận rộng rãi, nhiều người đã nhanh chóng tìm đến loại công cụ tiền tệ để thực hiện giao thương buôn bán cũng như tích trữ đầu tư. Điều này khiến các ngân hàng lo lắng bitcoin sẽ đe dọa phần nền tảng trong hình mẫu hoạt động kinh doanh - nơi sử dụng nguồn tiền thực để đầu tư và cho vay nợ.
Chỉ tính riêng trong năm nay, Bitcoin đã tăng giá trị tới 2.000%. Vốn thị trường của hệ thống tiền điện tử đang đạt ngưỡng 650 tỷ USD, với 50 tỷ USD giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, trong hệ thống tiền điện tử, thị phần Bitcoin từ đầu năm đến nay giảm mạnh từ 85% xuống còn 44%.
HỒNG HẠNH