Những vụ tiết lộ tài liệu mật gây chấn động thế giới
Trong số các vụ tiết lộ tài liệu mất gây chấn động, bê bối Watergate ở Mỹ từng khiến một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ phải từ chức, trong khi đó những tài liệu mật do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ cũng đẩy Chính phủ Mỹ rơi vào tình huống bất an.
MARK FELT - KẺ “HẠ GỤC” NHÀ TRẮNG
Ngày 17-6-1972, khoảng 5 tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống, cảnh sát bắt quả tang 5 người đàn ông đang đột nhập và ăn cắp tài liệu từ trụ sở của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ ở khu nhà Watergate tại thủ đô Washington D.C. Trước đó, những người này đã đặt các thiết bị nghe lén trong tòa nhà này.
Một trong số người bị bắt là James McCord Jr., người phụ trách an ninh của Ủy ban Tái tranh cử của Tổng thống Richard Nixon lẫn Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Tổng thống Nixon đã bác bỏ cáo buộc có liên quan. Người đứng đầu Nhà Trắng khi đó được cho là đã yêu cầu Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) gây sức ép để FBI rút khỏi cuộc điều tra về bê bối này.
Mọi việc được che giấu cho đến tháng 5-1974 khi 2 phóng viên của Washington Post phanh phui công bố trên mặt báo những bằng chứng sát thực về vụ ăn cắp tài liệu và đặt thiết bị nghe lén. Thông tin mà họ tiết lộ do một nhân vật bí ẩn có mật danh “Deep Throat” cung cấp. Quốc hội Mỹ buộc phải lập một ủy ban điều tra bê bối Watergate. Trước nguy cơ bị luận tội, Tổng thống Nixon ngày 9-8 đã tuyên bố từ chức mặc dù vẫn phủ nhận có liên quan đến bê bối Watergate.
Sau hơn 3 thập niên, cái tên “Deep Throat” mới được giải mã khi ông William Mark Felt (1913-2008) là cựu nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) công khai thừa nhận: “Tôi chính là Deep Throat”.
Cựu nhân viên FBI Mark Felt.
|
BRADLEY MANNING VÀ “BOM TẤN” WIKILEAKS
Bradley Manning (sau này đổi thành Chelsea Manning) SN 1987 tại Oklahoma, Mỹ. Anh gia nhập quân đội năm 18 tuổi.
Năm 2013, binh nhì Manning bị kết án 35 năm tù vì bị cáo buộc đã chuyển hơn 700.000 tài liệu quân sự mật của Mỹ cho trang web WikiLeaks vào năm 2010. Trong số các tài liệu rò rỉ có các báo cáo chiến trường tại Afghanistan, Iraq và những thông tin mật của Bộ Ngoại giao Mỹ.
WikiLeaks, trang web của cựu hacker người Australia Julian Assange, sau đó đã tạo ra “cú sốc” lớn với chính trường Mỹ khi công bố hàng trăm ngàn điện tín mật này của Mỹ.
Một cuộc truy lùng cha đẻ của WikiLeak cũng bắt đầu. Năm 2012, ông Julian Assange đã xin cư trú tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh nhằm tránh bị dẫn độ về Thụy Điển về tội tấn công tình dục. Theo ông Assange, mục đích cuối cùng của những người muốn bắt giữ ông là dẫn độ ông về Mỹ để đối mặt với các cáo buộc gián điệp và xuất bản tài liệu mật của Mỹ trên WikiLeaks.
“KẺ PHẢN BỘI” EDWARD SNOWDEN
Edward Snowden (SN 1983) là một cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và cựu nhân viên chính thức của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Tháng 6-2013, Snowden đã tiết lộ những thông tin về nhiều chương trình theo dõi mật, bao gồm chương trình siêu dữ liệu nghe lén điện thoại của Mỹ và châu Âu, PRISM (một chương trình theo dõi khác) và chương trình theo dõi Internet Tempora.
Ngay lập tức, cái tên Edward Snowden nhanh chóng được thế giới biết đến với danh hiệu “người hùng truyền thông” và “kẻ phản bội nước Mỹ”. Vụ việc đã đẩy chính quyền Tổng thống Obama cũng như giới chức tình báo Mỹ vào một loạt các vụ bê bối làm ảnh hưởng hình ảnh nước Mỹ với người dân và trên trường quốc tế.
Trước khi tiết lộ thông tin mật, tháng 5-2013, Snowden xin nghỉ phép và bay đến Hong Kong. Tại đây, ông gần như chỉ ở bên trong khách sạn và tuồn hàng ngàn tài liệu mật cho phóng viên của hãng tin Guardian và nhà làm phim tài liệu Laura Poitras (về sau cô giành giải Oscar về bộ phim tường thuật lại cuộc gặp này) về chương trình theo dõi của NSA.
Tuy nhiên, thay vì ẩn danh, Snowden ngay sau đó đã công khai thừa nhận danh tính. Giới chức Mỹ đã kết tội Snowden và đề nghị Hong Kong dẫn độ. Lúc này, Snowden đã được một nhóm người tị nạn ở Hong Kong giúp che giấu tung tích và bí mật đàm phán với nhiều chính phủ để xin tị nạn.
Mỹ đã cố gắng ngăn chặn Snowden rời Hong Kong với việc Bộ Tư pháp thông báo hủy hộ chiếu của Snowden. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong nói rằng họ không nhận được thông báo cho tới khi máy bay chở Snowden rời không phận Trung Quốc.
Tháng 8-2013, Snowden được Nga đồng ý cho tị nạn chính trị 1 năm, sau đó gia hạn thêm 3 năm. Hồi đầu năm nay, truyền thông dẫn lời một quan chức tình báo giấu tên của Mỹ nói rằng, Nga đang cân nhắc dẫn độ Snowden về Mỹ để xét xử. Nếu bị kết tội, Snowden có thể lĩnh án ít nhất 30 năm tù giam. Một số tội danh của ông thậm chí có khung hình phạt tối đa là tử hình.
BÁO TIN TỨC