.

30 năm, nhìn lại thảm họa giàn khoan Piper Alpha

Cập nhật: 19:07, 09/01/2018 (GMT+7)

9 giờ 55 phút tối 6-7-1988, một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra trên giàn khoan dầu Piper Alpha, khi đó đang hoạt động trong vùng Biển Bắc, cách 190km về phía Đông Bắc TP. Aberdeen, Scotland, Anh. Tiếp theo, khí gas cùng dầu thô phun lên tạo thành 9 vụ nổ nữa, dẫn đến sự sụp đổ của cả khối sắt thép khổng lồ. Tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 167 con người, trong đó có nhiều kỹ sư đầu ngành dầu khí nước Anh…

SƠ SUẤT THẢM HỌA

Sự việc bắt đầu vào năm 1972, khi liên doanh khai thác dầu khí OPCAL, Anh Quốc phát hiện một mỏ dầu mới gọi là mỏ Piper, nằm trong vùng Biển Bắc, cách TP. Aberdeen, Scotland 190km về phía Đông Bắc.

Đến lúc có giấy phép khai thác vào năm 1973, OPCAL tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, đường ống dẫn dầu, dẫn khí đốt và các công trình hỗ trợ trên bờ. Song song với những việc này, OPCAL cho lắp đặt 4 khoang chức năng (module) vào hệ thống chân đế vừa mới được đóng rồi đặt tên cho nó là Piper Alpha.

Cuối tháng 10-1975, giàn Piper Alpha được kéo ra biển và được cắm sâu xuống đáy biển 144m. Nó là một trong hai giàn khoan lớn nhất trên vùng Biển Bắc thời đó. 

Theo kế hoạch, sau 12 năm liên tục hoạt động, tháng 7-1988, Piper Alpha sẽ được bảo dưỡng và nâng cấp lớn bởi Công ty Occidental khi nó vẫn đang hoạt động vì thời điểm ấy, Piper Alpha phải thực hiện hợp đồng xuất khẩu 120.000 thùng dầu thô và hơn 1 triệu m³ khí/ngày.

12 giờ trưa ngày 6-7-1988, nằm trong kế hoạch bảo dưỡng, nâng cấp lớn, 2 máy bơm ngưng tụ - gọi là bơm A và bơm B - dùng để nén khí đốt trước khi chuyển nó đến bể Tartan, ngừng hoạt động. Trước đó, van an toàn áp suất của bơm A đã được tháo ra để bảo dưỡng định kỳ, ống ngưng tụ tạm thời bị niêm phong. Và bởi vì không thể kết thúc trước 6 giờ chiều nên kỹ sư phụ trách bảo dưỡng đã ký vào biên bản, xác định bơm A chưa sẵn sàng vận hành nên không được phép khởi động nó trong bất kỳ mọi trường hợp.

6 giờ chiều, 74 người làm việc ban ngày được thay bằng 62 người làm ca đêm. Lúc bàn giao giữa 2 ca, có lẽ do muốn kết thúc nhanh để về khoang tắm rửa, ăn uống, một kỹ sư đã cầm tờ biên bản “không được phép khởi động bơm A trong bất kỳ mọi trường hợp” đặt lên chiếc bàn trong phòng kiểm soát trung tâm. Điều ngẫu nhiên là khi ấy trên bàn cũng có một giấy phép sửa chữa, đại tu bơm B nên chẳng ai để ý đến tờ biên bản.

9 giờ 45 phút tối, những người làm ca đêm phát hiện methane clathrate (một loại đá chứa methnol dễ cháy) tích tụ trong đường ống dẫn khí nén, gây tắc nghẽn. Vì thế bơm B ngừng hoạt động và không thể khởi động lại.

Sau nhiều nỗ lực, đến 9 giờ 52 phút, các kỹ sư khôi phục được bơm B trong lúc một nhóm khác bắt đầu vận hành bơm A và không hề lưu ý đến tờ biên bản đã được ghi. Do không đọc biên bản, họ chẳng hề biết rằng van kiểm soát áp suất đã được tháo ra để bảo dưỡng và chiếc đĩa kim loại đậy kín miệng nối giữa van áp suất và đường ống dẫn khí (từ chuyên môn gọi là “mặt bích”) được lắp vào chỉ với vài con bù loong lỏng lẻo.

Điều này có nghĩa là nếu vận hành bơm A, khí đốt với lực nén rất lớn sẽ phá tung “mặt bích” để thoát ra ngoài.

GIÂY PHÚT THẢM HỌA

9 giờ 53 phút, công tắc khởi động bơm A được bật lên. Khí đốt lập tức tràn vào ống dẫn. Và vì van an toàn đã được tháo ra nên chưa đầy 1 phút, khí đốt với áp suất cực lớn thổi bay “mặt bích”.

Lập tức, nhóm kỹ sư, công nhân vận hành bơm A phát lệnh báo động khẩn cấp. Từ phòng chỉ huy, trưởng giàn khoan ra lệnh đóng tất cả các van trong các đường ống nằm chìm dưới biển, đồng thời cho dừng tất cả mọi hoạt động khai thác. Và trong khi mọi việc đang được tiến hành thì 9 giờ 55 phút, lượng khí đốt thoát ra ngoài bất ngờ bốc cháy rồi nổ tung, thổi bay những tấm thép được gọi là “bức tường an toàn”, che chắn xung quanh bơm A, đồng thời cũng phá vỡ nhiều mảng của “bức tường an toàn che chắn xung quanh bơm B.

Một trong những mảnh vỡ của “bức tường an toàn” bắn ra xa, làm vỡ một đường ống dẫn khí khác, tạo thêm một đám cháy. 27 kỹ sư, công nhân đứng cạnh bơm A chết ngay lập tức vì lửa và vì sức ép của vụ nổ. Những người may mắn sống sót cho biết vụ nổ tạo ra một quầng lửa đường kính khoảng 30m, bốc lên cao hơn 100m, cháy ngùn ngụt.

Giống như tất cả những giàn khoan khác, Piper Alpha có hệ thống chữa cháy tự động, vận hành bởi 2 máy diesel và một máy bơm điện. Nó được thiết kế để có thể tự hút nước biển và tự phun trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn nhưng sau vụ nổ đầu tiên, cả 3 máy bơm đều bị phá hủy nên ngọn lửa mặc sức hoành hành.

Vào thời điểm xảy ra thảm họa, giàn khoan Piper Alpha có 226 người. Hậu quả là 165 người chết. 2 người khác làm nhiệm vụ cứu nạn trên tàu Sandham cũng chết vì phỏng lửa, nâng con số tử vong lên 167 người…

4 tàu chữa cháy phun nước dập lửa trên giàn khoan Piper Alpha.
4 tàu chữa cháy phun nước dập lửa trên giàn khoan Piper Alpha.

4 tháng sau ngày xảy ra thảm họa - tháng 11-1988 - cuộc điều tra kết thúc với sự khẳng định là việc bảo trì Piper Alpha do Occidental thực hiện đã không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, cùng với đó là một khoản tiền bảo hiểm lên đến 1,4 tỷ USD -  lớn nhất trong số những bảo hiểm về thảm họa do con người gây ra thời bấy giờ.

VŨ CAO

.
.
.