.

Ly kỳ chuyện đặc vụ KGB đánh cắp, gửi tên lửa từ Đức về Mátxcơva qua đường bưu điện

Cập nhật: 16:56, 10/01/2018 (GMT+7)

Câu chuyện khó tin này diễn ra vào giai đoạn cuộc Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh điểm và quả tên lửa được chuyển trót lọt về Moskva mà không hề bị kiểm tra trên đường vận chuyển.

Tên lửa K-13 gắn trên tiên kích MiG-21 trưng bày ở Bảo tàng lịch sử quân sự.
Tên lửa K-13 gắn trên tiêm kích MiG-21 trưng bày ở Bảo tàng lịch sử quân sự.

Trước khi sự kiện này xảy ra khoảng 9 năm, Liên Xô nhận được một quả tên lửa AIM-9B do Mỹ sản xuất từ phía Trung Quốc để nghiên cứu. Nguồn gốc của quả tên lửa AIM-9B mà Liên Xô nhận được đến từ một may mắn khó tin: Trong 1 trận không chiến, tiêm kích F-86 của Đài Loan phóng quả tên lửa này và nó chỉ găm vào đuôi tiêm kích MiG-17 của Trung Quốc nhưng không phát nổ.

Chiếc tiêm kích MiG-17 này của Trung Quốc hạ cánh an toàn với quả tên lửa AIM-9B ở đuôi, sau đó quả tên lửa được Trung Quốc thu hồi và chuyển đến Liên Xô. Các kỹ sư Liên Xô mổ xẻ và phân tích cấu trúc của quả tên lửa AIM-9B mà họ nhận được, với lượng thông tin khổng lồ về công nghệ tên lửa nhận được từ món chiến lợi phẩm này, họ gọi đó là “trường đại học thiết kế tên lửa”.

Tên lửa AIM-9B dù đơn giản nhưng rất hiệu quả, khiến cho các kỹ sư Liên Xô cực kỳ ấn tượng và quyết định sao chép công nghệ để cho ra đời tên lửa không-đối-không có tên gọi K-13 vào năm 1960.

Chưa đầy 10 năm sau, phiên bản sao chép K-13 (còn gọi là R-13) của Liên Xô được biên chế trong lực lượng không quân của khoảng 20 quốc gia trên thế giới. Thế nhưng những cuộc không chiến ở khu vực Trung Đông và Đông Nam Á cho thấy dòng tên lửa này bắt đầu trở nên lạc hậu.

Phía Liên Xô cần một phiên bản mới hơn của tên lửa AIM-9. Đây là thời điểm 1 đặc vụ KGB tại Tây Đức bắt đầu thực hiện hành động táo bạo của mình là đánh cắp quả tên lửa AIM-9 phiên bản mới nhất và gửi nó về Liên Xô.

Vào tối 22-10-1967, lợi dụng màn sương dày đặc và sự lơ là của lính gác, đặc vụ KGB ở Tây Đức Manfred Ramminger, cùng với lái xe Josef Linowski và phi công F-104 của Tây Đức Wolf-Diethard Knoppe đột nhập vào một kho vũ khí thuộc căn cứ không quân Neuburg.

Linowski và phi công Knoppe đánh cắp một quả tên lửa AIM-9 và dùng xe cút kít mang quả tên lửa ra ngoài căn cứ, nơi Ramminger đang chờ sẵn trên chiếc Mercedes của mình.

Quả tên lửa dài 2,9m quả thực là một món đồ cồng kềnh, đặc vụ Ramminger buộc phải đập vỡ cửa sổ sau của xe và phủ lên phần thò ra ngoài của quả tên lửa bằng một tấm thảm. Để cảnh sát không để ý, ông buộc vào phần thò ra một mảnh vải màu đỏ theo yêu cầu của luật giao thông Tây Đức lúc bấy giờ.

Đặc vụ Ramminger trở về căn nhà của mình ở Krefeld cùng với quả tên lửa mà không gặp bất cứ trở ngại gì. Sau đó ông tự tay tháo dỡ quả tên lửa, giữ lại ngòi nổ và để sau đó trực tiếp trao bộ phận này cho liên lạc viên KGB của mình. Còn những bộ phận còn lại, ông đóng gói và mang đến sân bay Düsseldorf để gửi về Moskva.

Bưu kiện chứa quả tên lửa được gửi đi từ bưu điện qua đường thư máy bay đến thẳng Moskva và để tránh rắc rối với hải quan Tây Đức hoặc Liên Xô, đặc vụ Ramminger mô tả bên trong bưu kiện chứa hàng phế phẩm xuất khẩu. Trọng lượng bưu kiện khoảng 9kg và đặc vụ Ramminger phải trả khoản tiền 79,25 USD (theo thời giá hiện nay).

Dịch vụ vận tải hàng không thời kỳ đấy thường xuyên để xảy ra sai sót và bưu kiện của đặc vụ Ramminger không phải là ngoại lệ - nó đi từ Frankfurt qua Paris đến Copenhagen, rồi sau đó lại vòng về Düsseldorf và cuối cùng mới đến được Moskva. Phải mất 10 ngày sau khi được gửi, bưu kiện đặc biệt trên mới đến đích an toàn.

Khi Ramminger gặp liên lạc viên KGB của mình để trao ngòi nổ của quả tên lửa, người này phải thốt lên rằng: “Người anh em, anh đúng là một siêu nhân”. Ngay sau khi nhận được gói bưu kiện, các kỹ sư Liên Xô nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu và sao chép phiên bản tiếp theo của tên lửa AIM-9 Sidewinder, từ đó cho ra đời phiên bản mới của tên lửa K-13.

Phiên bản mới của tên lửa K-13 có tên gọi K-13M (hoặc R-13M) với nhiều cải tiến về hiệu suất, trong đó có một số cải tiến trong thiết kế phần đầu của tên lửa. Khác biệt lớn nhất giữa K-13 và K-13M ở chỗ, K-13 được trang bị đầu dò hồng ngoại và dễ bị đánh lạc hướng bởi mồi bẫy nhiệt, còn K-13M sử dụng đầu dò radar để lần theo mục tiêu.

Cuối năm 1968, vụ việc bại lộ và ba người tham gia phi vụ này đều bị bắt giữ, tòa án Düsseldorf xét xử vụ án vào ngày 7-10-1970. Ramminger và Linowski bị kết án 4 năm, còn Knoppe bị kết án 3 năm tù giam. Năm 1971, Ramminger được trả tự do sau một vụ dàn xếp trao đổi đặc vụ.

NGUYỄN TIẾN/VTC
(Nguồn: National Interest)

.
.
.