.

Nhìn lại cuộc đụng độ trên không giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên - Bài 1: "Ngôi sao" bị bắn hạ

Cập nhật: 08:35, 12/01/2018 (GMT+7)

7 giờ sáng 15-4-1969, chiếc máy bay trinh sát điện tử EC-121M với mật danh “Warning Star - Ngôi sao cảnh báo” của Hải quân Mỹ, cất cánh từ sân bay Atsugi, Nhật Bản hướng về vùng biển Bắc Triều Tiên để thực hiện sứ mệnh trong một chiến dịch mang tên “Beggar Shadow - Bóng tối”. Mục tiêu của chiến dịch này là theo dõi và ghi nhận mọi liên lạc bằng sóng vô tuyến giữa Bắc Triều Tiên, Trung Quốc với Liên bang Xô Viết.

12 giờ 34 phút, một máy bay tiêm kích phản lực Mig-21 của Bắc Triều Tiên xuất hiện. 3 phút sau đó, quả tên lửa không đối không AA-2 phóng đi từ chiếc Mig-21 đã xóa sổ “Ngôi sao” với 31 thành viên…

CHUYẾN BAY CUỐI CÙNG

Chiếc EC-121M Warning Star trên vùng biển Nhật Bản.
Chiếc EC-121M Warning Star trên vùng biển Nhật Bản.

Khi cất cánh khỏi sân bay Atsugi, chiếc EC-121M Warning Star mang theo tổng cộng 31 người. Ngoại trừ 6 thành viên phi hành đoàn mà cơ trưởng là trung úy James Overstreet, số còn lại gồm 9 chuyên gia điều khiển rada mã thám, làm nhiệm vụ thu các bức điện, 9 nhà ngôn ngữ học, đọc thông nghe thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Triều Tiên và tiếng Nga, dịch các nội dung nghe lén được. 7 người còn lại phụ trách liên lạc với trung tâm chỉ huy, cảnh báo sớm khi phát hiện hệ thống phòng không Bắc Triều Tiên và an ninh, cứu hộ.

EC-121M do hãng Lockheed (Mỹ) chế tạo dựa trên khung thân của loại máy bay thương mại vận tải hành khách Super Constellation. Được trang bị 4 động cơ cánh quạt với tổng công suất 13.600 mã lực, nó có thể chở theo 30 tấn thiết bị, hoạt động trong phạm vi 6.843km với vận tốc tối đa 481km/h mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu. Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, EC-121M được người Mỹ sử dụng vào việc gây nhiễu hệ thống radar phòng không của quân đội Việt Nam cũng như cảnh báo sớm cho các loại máy bay ném bom mỗi khi phản lực tiêm kích Mig của quân đội Việt Nam xuất hiện.

Trong chiến dịch Beggar Shadow với nhiệm vụ trinh sát Bắc Triều Tiên, người Mỹ xem EC-121M là loại máy bay chủ lực. Để liên lạc với các trạm mặt đất, nó dùng mật danh Deep Sea 219. Theo kế hoạch, sau khi cất cánh, chiếc máy bay bay về phía Tây Bắc, qua biển Nhật Bản đến mũi Musu. Tại đây, nó chuyển hướng sang phía Đông Bắc, hướng tới Liên Xô theo quỹ đạo hình elip dài 120 hải lý. Trên suốt hành trình đó, hệ thống radar mã thám sẽ liên tục ghi lại các cuộc liên lạc bằng sóng ngắn giữa các tàu thuyền của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Xô với nhau, cũng như các cuộc liên lạc giữa tàu thuyền với các căn cứ trên bờ. Khi sứ mệnh hoàn thành, chiếc EC-121M sẽ hạ cánh xuống căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc. Tại đó, các cuộn băng ghi âm sẽ được tháo ra rồi được chuyển về Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Seoul cùng với những bản dịch.

Với phi hành đoàn trên chiếc EC-121M Warning Star, phi vụ do thám được xem là nhiệm vụ có “nguy cơ tối thiểu” bởi lẽ họ không bay vào vùng biển giới hạn 50 hải lý tính từ bờ biển Bắc Triều Tiên. Trong 3 tháng đầu năm 1969, gần 200 phi vụ với mục đích tương tự đã được máy bay của Hải quân và Không quân Mỹ tiến hành mà không gặp bất kỳ sự cố nào. Đôi lần, hệ thống radar cảnh báo sớm trên máy bay cho biết có sự xuất hiện của các chiến đấu cơ Bắc Triều Tiên nhưng nó thường bay ở rất xa, trên không phận Bắc Triều Tiên nên họ chẳng có lý do gì để phải lo ngại.

BỊ BẮN HẠ

Đội ngũ trinh sát điện tử trong chiếc EC-121M Warning Star.
Đội ngũ trinh sát điện tử trong chiếc EC-121M Warning Star.

10 giờ 35 phút sáng 15-4-1969, ngay sau khi chiếc EC-121M Warning Star bay vào vùng biển Nhật Bản (Bắc Triều Tiên gọi là biển Đông Triều Tiên) thì mạng lưới radar của Bắc Triều Tiên bắt đầu theo dõi nó. Đến 12 giờ 34 phút, các thiết bị quan sát bầu trời thuộc Sư đoàn 6918 Không quân Mỹ đặt tại căn cứ Hakata, Nhật Bản phát hiện 1 chiếc tiêm kích phản lực Mig-21 của Bắc Triều Tiên cất cánh từ sân bay Tongchong-ni gần thành phố Wonsan. Cùng lúc đó, radar của Phi đội 6988 thuộc căn cứ Không quân Yokota, Nhật Bản và Đội 1 An ninh đường không Hàn Quốc tại căn cứ không quân Osan cũng ghi nhận sự xuất hiện của chiếc Mig-21. Lập tức, cả 3 đơn vị này đều cùng theo dõi các cuộc điện đàm giữa phi công lái chiếc Mig-21 với sân bay Tongchong-ni, chưa kể Tập đoàn Naval có trụ sở tại Kamiseya, Nhật Bản, là nơi đã cung cấp 7 trong số 9 thiết bị nghe lén cho chiếc EC-121M cũng tiến hành theo dõi mạng lưới liên lạc của Không quân Xô Viết vì thời điểm ấy có khá nhiều phi công Liên Xô làm nhiệm vụ huấn luyện lái Mig-21 cho phi công Bắc Triều Tiên.

13 giờ, phi hành đoàn của chiếc EC-121M gửi về bộ chỉ huy ở sân bay Atsugi, Nhật Bản một báo cáo qua radio, cho thấy không có gì bất thường và đây cũng là báo cáo cuối cùng của họ. Ít phút sau, chiếc EC-121M phát đi tín hiệu “Condition 3” - nghĩa là có thể họ sẽ bị tấn công. Lập tức, Trung tâm chỉ huy Atsugi ra lệnh cho họ hủy bỏ nhiệm vụ và quay về căn cứ. Cuốn băng ghi âm trong chiếc hộp đen thu hồi sau này cho thấy vào lúc 13 giờ 37 phút, có tiếng nói thảng thốt của sĩ quan dẫn đường là trung úy Robert F.Taylor nhưng chỉ gồm 2 từ : “Tên lửa”.

Thời điểm ấy, Mig-21 với tốc độ siêu âm, tiếp cận chiếc EC-121M từ hướng Đông Bắc. Được trang bị 2 khẩu pháo 23mm và 2 tên lửa không đối không AA-2 và chỉ với một phát bắn duy nhất, quả tên lửa đã khiến chiếc EC-121M nổ tung, mang theo mạng sống của 31 con người. Tin tức trên các đài phát thanh Bắc Triều Tiên loan đi 2 tiếng đồng hồ sau đó cho thấy không quân nước họ “đã bắn rơi một máy bay của đế quốc Mỹ khi chúng xâm nhập vùng trời Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên”.

Cũng vào lúc 13 giờ 37 phút, trên màn hình radar của Sư đoàn 6918 Không quân Mỹ, Phi đội 6988 Không quân Nhật và Đội 1 An ninh đường không Hàn Quốc không còn thấy bóng dáng của chiếc EC-121M đâu nữa. Thoạt đầu, Hải quân Mỹ cho rằng để tránh chiếc Mig-21, có thể phi hành đoàn đã cho máy bay xuống thấp, dưới tầm quét của radar nên không ai nhìn thấy họ. Tuy nhiên, nhiều giờ sau đó vẫn không hề có một cuộc liên lạc nào từ chiếc EC-121M, thậm chí tín hiệu cấp cứu khẩn cấp cũng chẳng thấy phát ra thì họ mới hiểu là “Ngôi sao” đã rơi rụng.

Các nhân chứng là người Hàn Quốc trên một chiếc tàu đánh cá lúc ấy đang thả lưới tại vùng biển giáp ranh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sau này tường thuật rằng họ nghe thấy tiếng máy bay phản lực rồi liền lập tức là một quả cầu lửa bùng lên kèm theo một tiếng nổ. Sau tiếng nổ, khói tan, họ chẳng nhìn thấy một chiếc dù nào.

Ngay sau cuộc tấn công bắn hạ chiếc EC-121M, quân đội Bắc Triều Tiên được đặt trong tình trạng báo động cao. Về phía Mỹ, 1 phi đội máy bay phản lực tiêm kích F 106 được điều đến vùng trời nơi chiếc EC-121M mất tích còn Nhật Bản và Hàn Quốc thì phập phồng chờ đợi một cuộc chiến tranh tổng lực…

VŨ CAO
(Theo History - EC-121M Sootdown)

.
.
.