Thực tế cho thấy đã có rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, một số người vẫn chưa ý thức điều này, vẫn uống và lái xe trên đường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho bản thân và những người khác.
Lực lượng CSGT Công an TP. Vũng Tàu kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe ô tô. |
Vụ TNGT gần đây liên quan đến việc sử dụng rượu, bia là sáng 3/3, anh L.N.T. (SN 1983, quê tỉnh An Giang) sau khi nhậu tại TP. Vũng Tàu đã điều khiển xe ô tô biển số 52P-09XX về xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Khi lưu thông đến Tỉnh lộ 44A (đoạn thuộc tổ 17, ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng, huyện Long Điền), do ngà ngà say, không làm chủ tay lái nên đã tông vào xe máy do anh N.V.H. (SN 1970, trú tại huyện Long Điền) điều khiển cùng chiều phía trước. Hậu quả, anh H. tử vong tại hiện trường.
Mới đây, ngày 5/3, lực lượng CSGT và Trật tự - Công an TP.Bà Rịa dừng xe kiểm tra anh N.V.T (trú tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, lưu thông trên đường Phạm Hùng, TP. Bà Rịa. Khi kiểm tra, anh T. nồng nặc mùi rượu. Tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, anh T. vi phạm 0,415 miligam/lít khí thở. Anh T. thừa nhận có uống vài ly rượu trong đám tang của một người bạn tại TP. Vũng Tàu bị TNGT vì sử dụng rượu, bia. Lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đối với anh này về lỗi vi phạm trên.
Theo Ban ATGT tỉnh, trong quý I/2022, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý 81 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn với số tiền phạt hàng trăm triệu đồng. Toàn tỉnh xảy ra 103 vụ TNGT, làm 68 người chết và 69 người bị thương, trong đó có 1 vụ người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. |
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT mà một số người sử dụng rượu, bia còn gây khó dễ, không hợp tác, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT khi bị kiểm tra. Trung tá Nguyễn Xuân Tân, Phó Đội CSGT và Trật tự - Công an TP. Vũng Tàu cho biết, có không ít trường hợp người nồng nặc mùi bia, rượu, tuy nhiên khi bị yêu cầu kiểm tra đã không chịu thổi vào máy đo nồng độ hoặc không ký vào biên bản vi phạm.
“Đối với các trường hợp không hợp tác, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý. Đồng thời, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn và các chất kích thích khác nhằm kéo giảm TNGT”, Trung tá Tân nói.
Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. |
Theo Trung tá Phạm Văn Khánh, Đội trưởng Đội tuyên truyền và xử lý TNGT, Phòng CSGT - Công an tỉnh, rượu, bia là chất kích thích, khiến hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, định hướng và điều khiển vận động. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia thì nồng độ cồn sẽ tác động vào thần kinh dễ khiến họ không làm chủ tay lái và tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn. Theo số liệu thống kê hiện nay, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia luôn là vấn nạn gây ra hiểm họa khôn lường cho toàn xã hội.
Trung tá Khánh cho biết thêm, thời gian qua, lực lượng CSGT đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở nhiều đợt tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, tài xế về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện. “Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện và mỗi người dân cần nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông”, Trung tá Khánh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN