Lợi dụng việc thiếu thông tin, chủ quan không kiểm chứng thông tin của phụ huynh và SV, các đối tượng lừa đảo đã tung chiêu “học bổng du học toàn phần” một cách tinh vi, khiến nhiều người “sập bẫy”.
![]() |
Các thông tin lừa đảo du học được đối tượng thực hiện tinh vi. |
Bị lừa tiền tỷ
Từ cuối năm 2024 đến nay, tình trạng mạo danh các trường ĐH để lừa đảo tuyển sinh du học nước ngoài diễn ra phổ biến trên nhiều tỉnh, thành phố. Mới đây, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, các đối tượng lừa đảo đã giả mạo thông báo của Trường ĐH Dầu khí Việt Nam về chương trình du học SV quốc tế, lừa đảo một SV của trường cùng gia đình em với số tiền hàng tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 2/2025, các đối tượng đã giả mạo văn bản có chữ ký hiệu trưởng ĐH Điện lực để lừa sinh viên nộp 350 triệu đồng cho chương trình “Học bổng toàn phần Đại học Deakin” (Úc). Vào tháng 12/2024, một thông báo giả mạo ĐH Bách khoa Hà Nội về chương trình trao đổi SV tại University of Arizona (Mỹ) đã khiến SV nộp 500 triệu để được sang Mỹ du học ngắn hạn. Cùng thời điểm này, một phụ huynh đã bị lừa 150 triệu vì tin vào chương trình “học bổng Canada” do các đối tượng giả mạo thông báo hoặc thông tin của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh.
Tương tự, các đối tượng cũng liên tiếp giả mạo văn bản của các trường ĐH Hải Phòng, ĐH Việt Nhật, CĐ Y tế Đắk Lắk... với chữ ký lãnh đạo, dấu của Bộ GD-ĐT. Một số thông tin được phát tán công khai với thông tin liên hệ: “Nguyễn Gia Hòa, email: giahoanguyen21@gmail.com, số điện thoại: 0335938...”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thủ đoạn của các đối tượng thường là làm giả thông báo, thư mời tham gia các chương trình học bổng với logo, con dấu, chữ ký của hiệu trưởng các trường đại học. Cùng với đó, chúng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo) hoặc email giả mạo để phát tán quảng cáo, mời gọi SV tham gia các chương trình trao đổi SV và du học ngắn hạn.
Không chỉ vậy, đánh vào tâm lý “sợ mất cơ hội”, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh là cán bộ phòng hợp tác quốc tế của nhà trường, gọi điện thoại cho nạn nhân đề thúc giục chuyển tiền ngay để giữ suất vì “đang có danh sách chờ”. Với mong muốn đi du học, lo sợ bỏ lỡ cơ hội, nhiều người đã rơi vào chiếc bẫy được giăng sẵn.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, nếu muốn tham gia các chương trình du học, SV cần kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng. SV tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc; không truy cập vào các liên kết hoặc các tệp đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội. |
Ngăn chặn từ gốc
Cơ quan công an cho biết, lý do các nạn nhân “sập bẫy” chủ yếu là do thiếu thông tin về du học chính thống, không kiểm chứng qua các kênh chính thức như website hay phòng hợp tác quốc tế của các trường, dễ tin vào các quảng cáo “học bổng toàn phần” quá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, đây là hoạt động lừa đảo có tổ chức, được các đối tượng chuẩn bị kỹ càng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Thời điểm thực hiện hành vi là “mùa tuyển sinh” các chương trình học bổng quốc tế. Trong khi đó, các trường lại chậm phát hiện, nên không kịp thời cảnh báo đến người học. Tình trạng trên dễ có nguy cơ lan rộng nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, gây mất an ninh, trật tự.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, từ tình hình trên, để phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo tuyển sinh du học nước ngoài, Sở GD-ĐT đã khuyến cáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH, CĐ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho HS, SV, phụ huynh cũng như cả đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động tại đơn vị về tình trạng lừa đảo du học. Đặc biệt là phổ biến phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.
Các cơ sở giáo dục cần tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện hành vi đăng thông tin giả mạo văn bản nhà trường. Từ đó có biện pháp cảnh báo cho HS, SV, phụ huynh thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo và nhanh chóng thông tin cho cơ quan chức năng để phối hợp điều tra, xử lý.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI