Luật Công chứng 2024 gồm 8 chương, 76 điều, có hiệu lực từ 1/7/2025, góp phần nâng cao chất lượng hành nghề và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức trong giao dịch dân sự, thương mại.
![]() |
Người dân thực hiện thủ tục công chứng tại Phòng công chứng số 2 (P.Phước Hiệp. TP.Bà Rịa). |
Siết chặt trách nhiệm hành nghề
Theo Luật sư Hoàng Ngọc Quý (Đoàn Luật sư tỉnh), một trong những nội dung được đánh giá tiến bộ của Luật Công chứng 2024, đó là quy định bắt buộc đào tạo nghề công chứng với tất cả đối tượng dự thi công chứng viên. Nếu như Luật năm 2014 cho phép miễn đào tạo đối với các chức danh tư pháp có kinh nghiệm như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư…, thì Luật mới yêu cầu tất cả ứng viên đều phải học tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trong 12 tháng. Riêng người có trình độ chuyên môn cao có thể được giảm xuống 6 tháng, nhưng không được miễn hoàn toàn. Quy định này thể hiện sự bình đẳng trong tiếp cận nghề nghiệp, đồng thời nâng cao tính chuyên môn và kỹ năng hành nghề.
Cùng với đó, Luật Công chứng 2024 quy định thống nhất thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng, không còn miễn hoặc rút ngắn như trước. Đây là bước đi cần thiết nhằm tạo mặt bằng chất lượng chung cho đội ngũ hành nghề, nơi kinh nghiệm thực tiễn phải song hành với lý luận vững chắc.
Ngoài ra, lần đầu tiên khái niệm công chứng điện tử được đưa vào Luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động công chứng trên môi trường số. Việc này vừa đáp ứng yêu cầu thực tế của cuộc sống, vừa mở ra hướng tiếp cận dịch vụ công chứng tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Luật mới cũng giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng đến 70 tuổi, nhằm đảm bảo sự tỉnh táo, chính xác và trách nhiệm trong hoạt động có yếu tố rủi ro pháp lý cao như công chứng. Đối với công chứng viên đã quá tuổi tại thời điểm luật có hiệu lực, sẽ được hành nghề thêm không quá 2 năm, bảo đảm tính nhân văn trong giai đoạn chuyển tiếp.
Luật mới cũng đã siết chặt cơ chế trách nhiệm và bồi thường trong hoạt động công chứng. Khi công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, trách nhiệm bồi thường sẽ được xác định cụ thể, bao gồm cả những trường hợp công chứng viên đã chuyển nơi làm việc hoặc chấm dứt hành nghề. Quy định này tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ người dân trong những tranh chấp phát sinh từ sai sót công chứng.
Nâng cao chất lượng, tăng bảo vệ quyền lợi của người dân
Luật sư Hoàng Ngọc Quý phân tích, Luật Công chứng 2024 được sửa đổi theo hướng nâng cao điều kiện hành nghề, tiêu chuẩn hóa đào tạo, siết chặt cơ chế trách nhiệm chính là sự thể hiện rõ ràng vai trò “gác cửa” pháp lý của công chứng viên đối với thị trường giao dịch. Việc không còn miễn đào tạo và rút ngắn tập sự chính là cách để “làm dày” nền tảng của đội ngũ công chứng viên, những người được ủy quyền thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực của các giao dịch.
“Công chứng viên là nơi người dân gửi gắm niềm tin vào pháp luật. Một chữ ký, một dấu mộc, có thể định đoạt cả một căn nhà hay sự an toàn tài chính của một gia đình. Vì vậy, nghề công chứng không thể “dễ dãi” trong tuyển chọn và đào tạo. Khi được đào tạo bài bản và thực tập nghiêm túc, công chứng viên không chỉ nắm vững quy định pháp luật mà còn hiểu rõ rủi ro trong từng loại giao dịch, từ hợp đồng mua bán nhà đất, chuyển nhượng cổ phần, cho đến ủy quyền định đoạt tài sản. Qua đó giúp người dân an tâm hơn khi ký kết các hợp đồng, văn bản có giá trị pháp lý cao. Với những quy định mới về công chứng điện tử, người dân được tiếp cận dịch vụ công chứng thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại”, luật sư Quý nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG