Chuyển biến tích cực trong phòng chống, tham nhũng

Thứ Năm, 08/05/2025, 17:38 [GMT+7]
In bài này
.

Sau Chỉ thị của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh”, 5 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có nhiều chuyển biến tích cực.

TAND tỉnh xét xử vụ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến việc cấp đất  sai quy định tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).
TAND tỉnh xét xử vụ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến việc cấp đất sai quy định tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).

Xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực

Theo ông Võ Tài Quốc, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 13 ngày 12/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Ông Quốc nhấn mạnh, các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn hiệu quả, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân.

Toàn tỉnh đã tổ chức 592 đợt quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác PCTNTC, với hình thức trực tiếp và lồng ghép trong các hội nghị, thu hút 44.490 cán bộ, đảng viên tham gia học tập, đạt tỷ lệ 97,4%. Các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát liên quan đến công tác PCTNTC được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật; đồng thời, phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để kiến nghị khắc phục, góp phần phòng ngừa vi phạm.

Cơ quan tố tụng địa phương đã khởi tố, điều tra 35 vụ/100 bị can, truy tố 28 vụ/145 bị can và xét xử 39 vụ/178 bị cáo; trong đó có 14 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo xử lý. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng đạt nhiều kết quả tích cực, với gần 100 tỷ đồng và 22.362m² đất được thu hồi.

Đáng chú ý, giữa tháng 1/2025, Viện KSND tỉnh truy tố ông Phạm Minh An (nguyên Giám đốc Sở Y tế), ông Trần Mạnh Hải (nguyên Phó trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch, Sở Y tế) và ông Đỗ Hữu Hải (Giám đốc Công ty Sơn Hà) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng vụ án, ông Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân), ông Lê Hữu Lễ và ông Tạ Quang Trường (thuộc Công ty Vimedimex) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận và đang được cơ quan chức năng tập trung xử lý.

Gắn phòng chống tiêu cực, lãng phí với phòng, chống tham nhũng 

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tham nhũng ở một số lĩnh vực vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đấu thầu, giao thông… Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu, chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản ở giai đoạn thi hành án còn thấp.

Trên cơ sở đánh giá quá trình thực hiện Chỉ thị 13, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy nội dung chỉ đạo chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, lãng phí. Vì vậy, Ban Thường vụ đã ban hành Chỉ thị số 70-CT/TU ngày 4/4/2025 (thay cho Chỉ thị 13) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNLPTC. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Yêu cầu phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là ở các vị trí dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Công tác PCTNLPTC phải gắn chặt với công tác cán bộ, sắp xếp bộ máy và chuẩn bị nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Tập trung nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, thanh tra trong các lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư công, tài chính, tài sản công, tài nguyên, khoáng sản. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.

Bảo đảm điều kiện hoạt động cho Ban Chỉ đạo PCTNLPTC tỉnh và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
.