Trẻ em dễ bị thao túng tâm lý khi dùng internet quá mức

Thứ Tư, 19/02/2025, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

Chuyên gia tâm lý, luật sư Lê Thị Lan Phương (Công ty Luật Hưng Bình P&S) cho rằng, trẻ em dành quá nhiều thời gian trên mạng internet có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, phụ thuộc vào mạng xã hội và có nguy cơ tiếp cận các nội dung xấu, độc, bị lừa đảo và bị xâm hại.

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng  đang ngày một trở nên cấp thiết (ảnh minh họa).
Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đang ngày một trở nên cấp thiết (ảnh minh họa).

Phóng viên: Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý và luật sư, bà vui lòng cho biết, lợi ích và nguy cơ của việc trẻ em tiếp cận thông tin và tham gia các hoạt động trên môi trường mạng?

- Chuyên gia tâm lý, luật sư Lê Thị Lan Phương: Trước hết, không thể phủ nhận những lợi ích tích cực từ internet đem lại đối với trẻ em trong học tập và phát triển bản thân, tạo cơ hội để trẻ kết nối, giao lưu, rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh đó, việc sử dụng công cụ học tập trực tuyến giúp trẻ nâng cao kỹ năng công nghệ, hỗ trợ tốt cho tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, trẻ tham gia hoạt động trên môi trường mạng có thể vô tình tiếp cận các nội dung không phù hợp như bạo lực, ngôn từ độc hại, thông tin sai lệch. Điều này ảnh hưởng xấu đến tâm lý, hành vi của trẻ. Trẻ em có thể là mục tiêu của đối tượng xấu trên mạng, từ việc bị lừa đảo, xâm hại qua mạng, cho đến việc bị lợi dụng thông tin cá nhân.

Đồng thời, việc trẻ dành quá nhiều thời gian trên không gian mạng có thể dẫn đến vấn đề về sức khỏe tâm lý, như lo âu, trầm cảm, hoặc phụ thuộc vào mạng xã hội, ảnh hưởng đến phát triển cá nhân; làm giảm cơ hội tham gia hoạt động ngoài trời, vui chơi thể thao, giảm sự giao tiếp với gia đình, bạn bè, nhất là  giảm khả năng tập trung học tập hoặc hoạt động khác cần sự chú ý cao.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 350/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2025. UBND tỉnh đề ra các mục tiêu: Bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; giúp trẻ sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

* Lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, dụ dỗ rồi thực hiện hành vi xâm hại trẻ thời gian qua trên địa bàn cả nước diễn ra khá phức tạp. Bà có thể cho biết cách nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ trên môi trường mạng?

- Hành vi xâm hại trẻ em trên mạng, gồm:  xâm hại tình dục (gửi, chia sẻ hoặc ép buộc trẻ em tham gia vào các hành vi tình dục qua mạng dưới những hình thức như chat sex, gửi hình ảnh hoặc video nhạy cảm); lừa đảo và chiếm đoạt tài sản hoặc bị ép buộc tham gia vào các hoạt động gian lận tài chính; bắt nạt qua mạng-Cyberbullying (Trẻ bị bắt nạt, đe dọa hoặc bị xúc phạm trên các nền tảng mạng xã hội, trò chuyện trực tuyến, hoặc qua email); trẻ em bị lừa cung cấp thông tin cá nhân (địa chỉ, số điện thoại, mật khẩu) qua các trò chơi trực tuyến hoặc các ứng dụng không bảo mật; các hành vi chia sẻ hình ảnh hoặc video của trẻ em mà không có sự đồng ý, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của trẻ.

Vì vậy, khi trẻ em, phụ huynh, hoặc người chứng kiến phát hiện những hành vi vi phạm có thể thông báo ngay cho cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Trung tâm xử lý tin xấu, tin giả. Hoặc sử dụng các dịch vụ tố giác trực tuyến, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo có chức năng “Báo cáo” khi phát hiện nội dung xâm hại hoặc hành vi vi phạm. Cùng với đó, trước khi thông báo hoặc tố giác, cần giữ lại mọi bằng chứng có thể (tin nhắn, email, hình ảnh, video, lời mời tham gia các trò chơi, cuộc gọi) để hỗ trợ cho quá trình điều tra.

* Để bảo vệ trẻ trước những mặt tiêu cực, tiềm ẩn nguy hại, chúng ta cần  trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ tương tác an toàn trên môi trường mạng ra sao, thưa bà?

- Để bảo vệ trẻ em trước những nguy hại trên không gian mạng, việc trang bị kiến thức và kỹ năng số, cũng như định hướng hành vi cho trẻ là rất quan trọng. Theo đó, cần giúp trẻ hiểu về các nguy cơ tiềm ẩn, xấu độc trên không gian mạng; nhận diện mối nguy hiểm trên mạng như bạo lực mạng, lừa đảo trực tuyến, thông tin không lành mạnh, hay bị lạm dụng thông tin cá nhân. Cần giúp trẻ hiểu rằng không nên chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, mật khẩu, thông tin tài chính, hình ảnh nhạy cảm trên mạng; dạy trẻ cách cài đặt bảo mật trên các nền tảng mạng xã hội và dịch vụ trực tuyến để bảo vệ thông tin cá nhân.

Khuyến khích trẻ sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng một cách có trách nhiệm. Đồng thời giải thích cho trẻ hành xử đúng mực, tôn trọng người khác khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng; hướng dẫn trẻ cách nhận diện những hành vi bất thường hoặc nguy hiểm trên mạng, biết cách dừng lại, không tham gia và thông báo cho người lớn khi gặp phải các tình huống đó.

* Bà có thể nói rõ hơn về vai trò của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?

- Để tận dụng lợi ích của môi trường mạng một cách an toàn, cần có sự giám sát chặt chẽ từ cha mẹ, giáo viên, cơ quan chức năng nhằm đảm bảo trẻ em tiếp cận thông tin một cách lành mạnh, an toàn. Đặc biệt, trang bị kiến thức và kỹ năng số cho trẻ. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ của riêng cha mẹ mà còn của nhà trường, cộng đồng xã hội, cơ quan chức năng trong việc phối hợp để tạo ra một môi trường mạng an toàn, giúp trẻ em phát triển một cách lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của mình.

Cùng với đó, để bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại trên môi trường mạng, cần kết hợp nhiều giải pháp chủ động như giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các hành vi xâm hại, tạo ra môi trường an toàn và hỗ trợ kịp thời cho trẻ khi gặp phải tác động tiêu cực.

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

BẢO KHÁNH 

(Thực hiện)

 
;
.