Nhóm ngư dân lãnh hơn 12 năm tù vì tháo thiết bị giám sát hành trình

Thứ Ba, 18/02/2025, 16:09 [GMT+7]
In bài này
.

Nhóm ngư dân tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình gửi sang tàu cá khác nhằm mục đích tránh sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để đánh bắt thủy sản trái phép. Hành vi này khiến nhóm ngư dân trả giá đắt với bản án hơn 12 năm tù.

Toàn cảnh phiên xét xử.
Toàn cảnh phiên xét xử.

Tháo hàng loạt thiết bị giám sát hành trình

Theo cáo trạng, ngày 28/5/2024, Tổ công tác do Đoàn Trinh sát số 2 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 kiểm tra tàu cá BV 4053 TS do Dương Thanh Tùng (SN 1991, ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Đất) làm thuyền trưởng, trên tàu còn có 1 thuyền viên.

Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên tàu lưu giữ 6 thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khác. Tổ công tác đã dẫn giải tàu BV 4053 TS về Cảng Hải đội 301 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 để tiến hành kiểm tra, xác minh.

Qua điều tra xác định, từ ngày 24-28/5/2024, các ngư dân: Nguyễn Hoang (SN 1974), Nguyễn Văn Đông (SN 1994, cùng ngụ xã Phước Tỉnh), Nguyễn Tấn Cường (SN 1988, ngụ tỉnh Bình Định) đã liên lạc và thỏa thuận với Tùng về việc gửi giữ thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Sau đó trực tiếp tháo gỡ các thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá do mình trực tiếp quản lý, điều khiển và tàu cá khác rồi gửi sang tàu cá do Tùng điều khiển.

Mục đích nhằm tránh sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền để các đối tượng này đưa tàu đi khai thác thuỷ sản trái phép trên vùng biển cấm khai thác (gần khu vực giàn khoan).

Cụ thể, Nguyễn Hoang tháo gỡ 2 thiết bị giám sát hành trình của tàu BV 5086 TS và BV 5029 TS; Cường tháo gỡ 2 thiết bị giám sát hành trình của tàu BV 92410 TS và BV 92400 TS; Đông tháo gỡ 2 thiết bị giám sát hành trình của tàu BV 0306 TS và BV 5022 TS. 

Tùng đồng ý nhận, giữ 6 thiết bị giám sát hành trình của 6 tàu cá do Nguyễn Hoang, Cường và Đông gửi nhằm hỗ trợ cho những người này đưa các tàu cá đi đánh bắt thủy sản trái phép cho đến ngày 28/5/2024 thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang cùng tang vật.

4 ngư dân bị đưa ra xét xử vì tháo thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
4 ngư dân bị đưa ra xét xử vì tháo thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm mục đích đánh bắt thủy sản trái phép.

Cáo trạng xác định hành vi nêu trên của Nguyễn Hoang, Cường, Đông và Tùng đã làm cho việc truyền tải thông tin của thiết bị giám sát hành trình về Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá không đúng với thực tế vị trí tàu cá đang hoạt động. Gây cản trở, rối loạn khả năng quản lý, giám sát, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích khai thác thủy sản trái phép trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến dưới 168 giờ. 

Hành vi nêu trên của các bị cáo đã phạm vào tội “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” được quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 287 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt lên đến 7 năm tù.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng có văn bản kiến nghị Sở NN-PTNT xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sử dụng giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; không thực hiện kê khai đăng ký tàu cá; hoán cải, thay đổi mục đích sử dụng và giao tàu cá cho các cá nhân không có chứng chỉ thuyền trưởng để điều khiển tàu của các chủ tàu.

Bị bắt tạm giam mới biết vi phạm nghiêm trọng

Để tuyên truyền giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân về phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), ngày 18/2, TAND tỉnh đã tiến hành xét xử lưu động vụ án đối với các ngư dân nêu trên tại Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng xã Phước Tỉnh.

Đông đảo người dân và ngư dân địa phương tới theo dõi phiên xét xử
Đông đảo người dân và ngư dân địa phương tới theo dõi phiên xét xử.

Tại phiên tòa, bị cáo Tùng cho biết trên các tàu có hải đồ điện tử nên có thể phát hiện và liên lạc với nhau qua hệ thống bộ đàm. Khi biết các tàu cá khác sản lượng đánh bắt thấp, có nguy cơ thua lỗ, Tùng giúp bằng việc nhận giữ thiết bị giám sát hành trình để các tàu có thể đi đánh bắt ở vùng cấm.

“Ngoài biển cực khổ nên anh em gửi bị cáo ráng giúp vài ba hôm chứ không hề thỏa thuận, trao đổi lợi ích nào cả. Bị cáo biết việc giữ giúp thiết bị giám sát hành trình để các tàu đi đánh bắt cá khu vực gần giàn khoan là sai nhưng không nghĩ hành vi này vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị khởi tố, bắt tạm giam và phải đối mặt với án tù”, Tùng nói.

Tương tự, các bị cáo Hoang, Cường và Đông đều cho rằng việc tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình của tàu cá là động cơ bộc phát của cá nhân, chủ tàu không biết và không thỏa thuận lợi ích vật chất khi gửi thiết bị cho Tùng.

“Tùng thấy tàu cá đánh bắt thua lỗ và gần chòi nên giúp đỡ giữ thiết bị giám sát hành trình để tàu bị cáo đi đánh bắt vùng lộng mà không bị cơ quan chức năng phát hiện và xua đuổi. Bị cáo nhận thức kém, không biết việc làm này vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy”, bị cáo Hoang trình bày.

Tới theo dõi phiên tòa, anh Nguyễn Văn Thạch (ngư dân xã Phước Tỉnh) cho biết: thực tế những năm qua các cơ quan chức năng có tuyên truyền về phòng, chống IUU rất nhiều nhưng phần lớn ngư dân học hành ít, nhận thức hạn chế nên vẫn vi phạm pháp luật. “Mong rằng sau phiên tòa, ngư dân và những người tới xem phiên xét xử có được bài học sâu sắc, hiểu biết hơn để tránh vi phạm pháp luật”, anh Thạch nói.

Qua đánh giá hồ sơ và phần tranh tụng tại tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Tùng 3 năm 6 tháng tù; các bị cáo Nguyễn Hoang, Nguyễn Văn Đông và Nguyễn Tấn Cường mỗi bị cáo 3 năm tù, cùng về tội “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử”. 

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.