.

7 thanh tra giao thông nhận hối lộ hơn 6 tỉ đồng hầu tòa

Cập nhật: 10:23, 09/09/2024 (GMT+7)

Cáo trạng cáo buộc 7 thanh tra viên của các Đội nghiệp vụ thanh tra (thuộc Thanh tra Sở GTVT) nhận hối lộ của 59 cá nhân, doanh nghiệp hơn 6 tỉ đồng để không hoặc ít kiểm tra, xử phạt các phương tiện vận tải vi phạm quy định của pháp luật.

Các bị cáo tại phiên xét xử.
Các bị cáo tại phiên xét xử.

Nhận hối lộ hơn 6 tỉ đồng

Ngày 9/9, TAND tỉnh mở phiên xét xử vụ “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại các Đội nghiệp vụ Thanh tra giao thông (TTGT).

Theo quyết định mở phiên tòa xét xử, ngoài 56 bị cáo còn có 13 người có quyền và nghĩa vụ liên quan cùng hơn 20 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế tại phiên tòa, có 2/56 bị cáo vắng mặt do nhập viện chữa bệnh; 11/13 người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Một số luật sư tham gia bào chữa cũng vắng mặt vì nhiều nguyên nhân.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa và dự kiến mở lại phiên tòa vào ngày 7/10.

Khoảng 19 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Hơn 20 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Theo cáo trạng, có 7 Đội nghiệp vụ thanh tra thuộc Thanh tra Sở GTVT tỉnh. Các đội luân phiên thay đổi địa bàn hoạt động trên 7 huyện, thành phố, thị xã (trừ huyện Côn Đảo) với chu kỳ 2 tháng/1 lần.

Từ năm 2012 đến tháng 3/2023, 7 thanh tra viên gồm: Lâm Hữu Trí (SN 1981), Võ Thanh Liêm (SN 1979), Trần Văn Dũng (SN 1970), Nguyễn Đức Tú, Trần Ngọc Huệ (SN1963), Phạm Văn Dương (SN 1977) và Trần Văn Minh (SN 1966) nhận tiền của nhiều cá nhân, chủ DN hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Mục đích nhận tiền của họ để không hoặc ít kiểm tra, xử phạt hành chính các cá nhân, DN và lái xe vì để các phương tiện vận tải vi phạm quy định của pháp luật về an toàn, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trong vụ án, bị cáo Trí nhận hối lộ của 55 tổ chức và cá nhân với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng. Quá trình điều tra Trí khai nhận các thanh tra viên bàn bạc và thống nhất giao Trí là đầu mối nhận tiền từ các cá nhân, DN.

Sau khi nhận tiền hối lộ, Trí chia cho đại diện của các đội thanh tra giao thông tại trụ sở của TTGT. 6 thanh tra viên khác nhận hối lộ hàng chục lần với tổng số tiền từ 40 - 300 triệu đồng/người.

Bị cáo Lâm Hữu Trí (áo xanh, ở giữa), người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án.
Bị cáo Lâm Hữu Trí (áo xanh, ở giữa), người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án.

Liên quan trong vụ án, có 49 bị cáo là cá nhân, chủ DN kinh doanh vận tải bị xét xử về tội “Đưa hối lộ”. Những bị cáo này đưa hối lộ vài lần đến hàng chục lần với tổng số tiền từ 10 - 780 triệu đồng.

Trong quá trình thu thập nguồn tin, xác lập chứng cứ, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của một số cá nhân là chủ hộ kinh doanh cá thể, cá nhân là đại diện các DN bị ép buộc chuyển tiền hối lộ trong quá trình điều hành các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; hoặc đưa hối lộ do bị gợi ý và với số tiền đưa hối lộ nhỏ...

Do đó, cơ quan điều tra đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 14 cá nhân, chủ DN. Trong đó: 12 cá nhân, chủ DN chuyển hơn 334 triệu đồng cho Trí; 1 số khác chuyển từ 5 - 9 triệu đồng cho các thanh tra viên.

Đối với các đội trưởng, đội phó, thanh tra viên của các Đội TTGT, chánh thanh tra, phó chánh thanh tra giai đoạn 2020 - 2023 bị Trí tố giác có sự thống nhất trong việc nhận và phân chia tiền hối lộ; chia tiền hối lộ cho chánh thanh tra, phó chánh thanh tra nhưng ngoài lời khai của Trí thì hiện chưa có tài liệu, chứng cứ khác nên chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của các cá nhân này.

Cơ quan CSĐT tiếp tục xác minh, thu thập chứng cứ để xử lý theo pháp luật.

Đủ chiêu trò ép DN phải “chung chi”

Theo cáo trạng, nhóm TTGT nêu trên “làm luật” với hầu hết cá nhân, DN kinh doanh vật liệu xây dựng, phế liệu, dăm gỗ, xăng dầu, nông sản, hàng hóa trong khu công nghiệp… có phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, quá trình làm nhiệm vụ thanh tra, xử lý vi phạm giao thông, TTGT thường xuyên chặn xe kiểm tra, nhắc nhở để chủ xe, DN phải liên hệ với thanh tra để “giải quyết”.

Nhiều trường hợp, Trí liên hệ hoặc “đánh tiếng” cho tài xế, chủ DN hoặc nhân viên quản lý vận tải của DN phải liên hệ “chung chi” hàng tháng cho TTGT để xe không bị chặn kiểm tra, xử phạt. Có thanh tra viên còn gọi điện thoại hù dọa nếu không “gửi tiền cơm nước” cho lực lượng TTGT thì gặp xe ở đâu sẽ chặn, bắt và phạt nặng. Bị dồn ép nhiều lần nên chủ xe, DN buộc phải chuyển tiền hối lộ cho TTGT.

Đại diện Viện KSND tỉnh tham gia phiên tòa.
Đại diện Viện KSND tỉnh tham gia phiên tòa.

Trong đó, có DN vận hành các xe ô tô tải để tránh lãng phí và hư hỏng trong thời gian chờ bán xe, dù không bị xử phạt nhưng liên tục bị TTGT chặn xe, kiểm tra, gây ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển. DN phải cho người liên hệ và chuyển tiền hối lộ hàng tháng cho Trí để được tạo điều kiện khi lưu thông trên đường.

Thậm chí, nhiều tài xế chạy xe chở bê tông tươi thường xuyên bị TTGT dừng xe kiểm tra. Bê tông tươi có đặc thù phải vận chuyển trong thời gian khoảng 2 giờ, quá thời gian bê tông sẽ bị khô cứng trong bồn, bê tông không được vận chuyển kịp thời đến công trình, công ty sẽ không tính tiền công chở. Do đó, tài xế, DN phải chi tiền để việc lưu thông thuận lợi, không bị TTGT dừng xe và xử lý.

Các chủ DN, chủ xe khai nhận để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh đã phải chi tiền “bồi dưỡng, cơm nước”, “đóng học phí cho con” cho lực lượng TTGT.

Thời điểm dịch COVID -19 bùng phát, xe tải của DN thường xuyên đi qua chốt kiểm tra phòng, chống dịch của TTGT tỉnh và phải xuất trình nhiều giấy tờ, thủ tục. Để các phương tiện được đi qua, DN phải chung chi hàng hàng tháng cho TTGT.

Đến khi lực lượng TTGT rút khỏi chốt phòng, chống dịch thì DN vẫn tiếp tục chung tiền để “bồi dưỡng” cho TTGT để xe của DN ít bị kiểm tra hoặc xử phạt.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

.
.
.