"Điểm mù" nguy hiểm như thế nào?
Lưu thông không chú ý đến điểm mù của xe ô tô rất dễ xảy đến tai nạn giao thông. Người tham gia giao thông cần hiểu rõ về các điểm mù này để biết cách lưu thông an toàn.
Người tham gia giao thông, nhất là điều khiển phương tiện xe gắn máy cần chủ động quan sát, giữ khoảng cách an toàn và tránh bám sát các xe tải để đảm bảo an toàn. |
Điểm mù là các khu vực xung quanh xe mà tài xế không thể quan sát được dù qua gương chiếu hậu. Kích thước xe càng lớn, điểm mù càng rộng, tạo ra mối nguy hiểm tiềm ẩn. Các điểm mù của xe tải bao gồm phía trước, hai bên hông và phía sau.
Ông Vũ Minh Khang, tài xế xe tải với hơn 10 năm kinh nghiệm lái xe trong KCN Phú Mỹ, chia sẻ: "Tôi luôn cảnh giác với điểm mù không thể quan sát được qua gương chiếu hậu, vì chỉ cần một chút sơ suất là có thể gây nguy hiểm cho người khác".
Ông Khang cho rằng, để tránh rơi vào "điểm mù" người tham gia giao thông không nên di chuyển quá gần đầu xe tải, chạy song song hay bám sát vào phần thân xe. Đặc biệt, điểm mù phía sau xe tải rất nguy hiểm khi tài xế lùi xe, phanh gấp hoặc đỗ xe.
Trên thực tế, các yếu tố như thiết kế xe, tầm vóc người lái, tư thế ngồi và cách chỉnh gương chiếu hậu đều ảnh hưởng đến điểm mù. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ tai nạn do điểm mù, tài xế cần giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn khi đi qua các khu vực đông đúc như khu dân cư, trường học hoặc khu công nghiệp. Trước khi lưu thông, cần điều chỉnh gương chiếu hậu theo vị trí ngồi để có khả năng quan sát rộng nhất. Ngoài ra, cần lắp đặt thêm các công cụ hỗ trợ như camera, cảm biến hay gương cầu để khắc phục điểm mù.
Với người đi đường, khi lưu thông, cần giữ khoảng cách an toàn, tránh việc bám sát các xe, nhất là xe tải để không rơi vào điểm mù. Khi vượt xe, cần phát các tín hiệu đèn, còi để tài xế phía trước nhận biết.
Bài, ảnh: VÕ ĐỨC