Để từng bước nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện ma túy, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tập trung nâng cấp cơ sở vật chất và tổ chức nhiều lớp lao động trị liệu cũng như dạy nghề cho học viên.
Đại diện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cùng đoàn đại biểu một số tỉnh đến thăm học viên đang lao động trị liệu tại cơ sở. |
An tâm điều trị
Từ cuối năm 2023, toàn bộ học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được chuyển về cơ sở tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc). Hiện nay, Cơ sở đang tiếp nhận điều trị cho hơn 1.200 học viên. Để nâng cao hiệu quả quản lý và điều trị cai nghiện, ngoài đầu tư, mở rộng quy mô, Cơ sở còn tập trung điều trị, phục hồi khả năng lao động cho học viên bằng các lớp lao động trị liệu và lớp dạy nghề.
Trong lớp đan lưới (lao động trị liệu), chúng tôi trò chuyện với một nữ học viên tên L.N.P.T. (SN 1990, ngụ TP.Vũng Tàu) có thành tích tốt trong lao động trị liệu và phong trào văn nghệ tại cơ sở. Chị T. cho biết đây là lần thứ 2 đi cai nghiện. Sau lần cai nghiện vào năm 2019, chị T. tái hòa nhập cộng đồng, tiếp tục đi làm kiếm tiền nuôi con.
Những tưởng đã tránh xa được "nàng tiên nâu", nhưng qua thời gian chị T. vẫn cảm thấy mặc cảm với gia đình, xã hội. Đến giữa năm 2023, chị T. tiếp tục quay lại con đường nghiện ngập khi tụ tập cùng nhóm bạn cũ. Tháng 12/2023, chị T. bị đưa vào Cơ sở để cai nghiện bắt buộc, khi lực lượng chức năng phát hiện dương tính với ma túy.
Chị T. chia sẻ: "Vào đây nhưng tôi không để ba mẹ biết vì gia đình đã tha thứ một lần rồi. Ở đây tôi được lao động trị liệu, tham gia sinh hoạt văn nghệ nên tinh thần ổn định, yên tâm điều trị. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành khóa điều trị và sớm trở về với con".
Tương tự, N.Đ.T. (SN 1988, ngụ TP.Vũng Tàu) cũng được gia đình khuyên răn, đưa vào điều trị cai nghiện từ tháng 4. Tâm sự với chúng tôi, anh T. cho biết, sau 4 tháng điều trị, lao động trị liệu và tham gia các buổi văn nghệ, anh đã ổn định tâm lý. "Khi lao động cũng như xem văn nghệ, tôi ít suy nghĩ tiêu cực và thấy bản thân có giá trị, còn cơ hội làm lại cuộc đời. Tôi mong sớm tái hòa nhập và tiếp tục công việc ngoài xã hội", anh T. nói.
Tạo niềm tin tái hòa nhập cộng đồng
Ngày 8/8, tại buổi tham quan, giao lưu, sinh hoạt Câu lạc bộ Cơ sở cai nghiện ma túy Nam Trung Bộ-Tây Nguyên-Đông Nam Bộ lần thứ VII, nhiều đại biểu đánh giá cao công tác quản lý học viên cũng như việc tổ chức các lớp lao động trị liệu hiệu quả tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
"Công tác quản lý học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là một trong những điểm nổi bật mà các đơn vị khác cần học hỏi. Cơ sở vật chất và công tác quản lý học viên nâng cao thì kết quả điều trị cai nghiện sẽ tốt. Học viên có thêm quyết tâm từ bỏ ma túy khi thấy được sự quan tâm từ Nhà nước và gia đình", ông Trương Văn Nam, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk nói.
Theo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho học viên, trong quý IV/2024, cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng giai đoạn 2, gồm: khu cai nghiện tự nguyện; khu tiếp nhận ban đầu (quy mô 500 học viên) và hoàn chỉnh các cơ sở vật chất phục vụ quản lý 1.500 học viên.
Ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết, các lớp lao động trị liệu cũng như hoạt động văn nghệ đóng vai trò quan trọng trong điều trị cai nghiện ma túy. Tham gia lao động trị liệu giúp học viên phục hồi sức khỏe, dần thích nghi với thói quen lao động. Đối với hoạt động văn nghệ, đây là món ăn tinh thần giúp học viên cảm nhận được sự quan tâm từ cộng đồng xã hội, giảm bớt tâm lý mặc cảm. "Đến nay, cơ sở đang tổ chức cho học viên lao động trị liệu với sản phẩm như đan lưới, đan giỏ mây và đan giỏ lục bình. Các học viên đều được trả công, qua đó có thêm chi phí sinh hoạt", ông Phạm Minh Ân thông tin.
Đồng thời, nhằm tạo điều kiện để học viên có việc làm sau khi tái hòa nhập cộng đồng, hàng năm Cơ sở tổ chức từ 8-10 lớp đào tạo nghề ngắn hạn theo nhu cầu. Các lớp đào tạo nghề do Trung tâm giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐTBXH) và Trường Trung cấp nghề Kinh tế-Kỹ thuật Công đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức. Các ngành nghề được lựa chọn đào tạo cho học viên phù hợp với nhu tuyển dụng việc làm trên địa bàn tỉnh như: nấu ăn, nhà hàng, làm bánh, điện dân dụng, làm đẹp.
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN