Bịt lỗ hổng quản lý việc mua bán xyanua

Thứ Tư, 17/07/2024, 16:45 [GMT+7]
In bài này
.

Một số vụ án mạng liên quan xyanua gần đây đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý việc mua bán loại chất cực độc này.

Hoạt động mua bán hóa chất tại một cửa hàng tại TP.Bà Rịa.
Hoạt động mua bán hóa chất tại một cửa hàng tại TP.Bà Rịa.

Bán tràn lan trên mạng

Trong vai khách hàng tìm mua xyanua, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc khảo sát thực tế tại một số cửa hàng, công ty buôn bán hóa chất, tiệm vàng trên địa bàn tỉnh.

Tại cửa hàng buôn bán hóa chất công nghiệp HHI (TP.Bà Rịa), khi được hỏi mua xyanua bằng cụm từ nói tránh “bột xi mạ mỹ ký” với mục đích để tẩy sáng trang sức bằng vàng tại nhà, chúng tôi được ông L. chủ cửa hàng từ chối bán và cho biết, trong sản xuất công nghiệp, xyanua dùng để sản xuất giấy, dệt may, nhựa, xi mạ vàng, mạ điện, xử lý bề mặt kim loại, sơn, nhuộm, thuốc trừ sâu...

Theo ông L., đơn vị có kinh doanh loại mặt hàng này, tuy nhiên chỉ bán cho công ty, DN khi xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng, chứng nhận danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Cùng với đó, đơn vị mua cũng cần có chứng nhận an toàn khu vực lưu trữ vì chỉ cần để chất này ở môi trường kín khí thì cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe những người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ.

Luật Hóa chất 2007 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất có hướng dẫn đầy đủ về việc mua bán và quản lý hóa chất như thế nào. Thêm vào đó, tại Điều 311, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cũng nêu rõ, nếu như chất độc này làm chết 1 người hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ thương tổn cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 3-10 năm.
Luật sư Vũ Huy Đĩnh, Chủ tịch Hội Luật gia Vũng Tàu

“Chúng tôi nhận thức được mức độ nguy hiểm của loại hóa chất này, nên không vì lợi nhuận mà chào bán hay cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi không đủ điều kiện”, ông L. cho hay.

Tương tự, tại tiệm vàng KT (đường 30/4, TP.Vũng Tàu), ông K. (chủ tiệm) cho biết, trước đây, xyanua được sử dụng phổ biến trong giới làm vàng ở Việt Nam với công dụng hòa tách xyanua để thu hồi vàng từ quặng cũng như sử dụng để mạ vàng. Tuy nhiên, hiện nay với công nghệ hiện đại, việc sử dụng hóa chất này không còn nhiều vì nó rất nguy hiểm.

Trái ngược với việc không đơn giản tìm mua được xyanua trực tiếp ở những đơn vị được cấp phép thì việc tìm mua xyanua trên mạng lại khá dễ dàng. Chỉ cần gõ google, facebook từ khóa “mua xyanua”, “xyanua giá rẻ” ngay lập tức cho ra nhiều kết quả rao bán xyanua (hay còn có tên gọi khác là Kali xyanua, Potassium cyanide) với số lượng từ vài trăm gram, 1kg cho đến vài chục kg hoặc thậm chí nhiều hơn.

Chất cực độc này được rao bán tự do, công khai tràn lan trên các nền tảng website, mạng xã hội facebook hay thậm chí cả các sàn thương mại điện tử. Người mua chỉ cần bấm nút “đặt hàng” và điền đầy đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại liên lạc, hình thức thanh toán… mà không cần bất cứ điều kiện nào.

Thông qua một số điện thoại công khai trên mạng, chúng tôi liên hệ trong vai khách hàng “Tôi cần mua kali xyanua” liền được một nam nhân viên tư vấn nhiệt tình, người này không cần quan tâm khách hàng sử dụng xyanua vào mục đích gì. Không chỉ dừng lại ở đó, dù mua với số lượng nhiều hay ít cũng đều được đáp ứng.

Quản lý chưa chặt, nguy hiểm tiềm tàng

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Thanh Tùng, chuyên gia hóa học Viện Khoa hoc Công nghệ an toàn - Phân viện Vũng Tàu cho biết, xyanua tồn tại dưới nhiều dạng như thể rắn (kali xyanua, natri xyanua), thể khí (hydro xyanua, xyanua clorua) và thể lỏng. Xyanua được xếp vào loại “chất độc đầu bảng” có thể gây nguy hiểm chết người dù với lượng rất nhỏ.

Người ngộ độc xyanua có thể đau bụng, nôn ói... Đây là loại chất hấp thụ trong cơ thể rất nhanh, đi theo máu gây tổn thương các cơ quan, nhất là hệ thần kinh, với một lượng nhỏ từ 50-200mg hoặc hít phải 0,2% khí xyanua có thể gây tử vong ở người.

Ngày 15/7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) về hành vi giết người. Đến nay, Bích đã thừa nhận hành vi đầu độc bằng xyanua khiến chồng và 2 cháu tử vong. Riêng người cháu thứ 3 may mắn thoát chết.
Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 12/2022, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt Tống Thị Tùng Linh (ngụ TP.Bà Rịa) án chung thân vì đầu độc giết cha bằng xyanua. Trước đó, Linh mua xyanua tại chợ Kim Biên, TP.Hồ Chí Minh, sau đó về đầu độc cha rồi giấu xác, đốt nhà để che giấu tội ác.

“Trường hợp nếu nuốt phải xyanua dưới ngưỡng gây chết người thì chất độc này cũng chưa có thuốc giải, cần phải rửa ruột, lọc máu, nhưng về sau vẫn gây di chứng như chảy máu dạ dày, bệnh về thần kinh, tiêu hóa”, ông Tùng chia sẻ.

Theo Luật sư Vũ Huy Đĩnh, Chủ tịch Hội Luật gia Vũng Tàu, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc nói chung, chất độc xyanua nói riêng, trong trường hợp bên bán không có giấy phép kinh doanh, giấy phép hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thì hành vi bán chất độc trái phép phạm vào tội “Mua bán trái phép chất độc”. Hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc nói chung, chất độc xyanua nói riêng để thực hiện phạm tội là cấu thành thành tội phạm độc lập được quy định tại Điều 311, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

“Cần có những quy định pháp luật rõ ràng về trách nhiệm của ngành công thương cũng như các cơ quan chức năng liên quan trong việc quản lý Nhà nước về hóa chất. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải có giấy phép mới được kinh doanh. Do đó, cá nhân, DN khi mua xyanua phải có đầy đủ giấy phép, chứng nhận danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp thể hiện rõ mục đích sử dụng loại hóa chất này”, Luật sư Vũ Huy Đĩnh nói.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH - MẠNH VŨ

;
.