Những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh luôn quan tâm đến công tác điều trị kết hợp đào tạo nghề, qua đó, giúp học viên tránh xa "cái chết trắng" có thêm niềm tin làm lại cuộc đời.
Học viên được hướng dẫn đan giỏ lục bình trong thời gian điều trị. |
Hối hận chưa muộn
"Vì sao bao gian lao kia cha không bao giờ kể? Vì sao những nỗi mất mát cha chỉ giữ mãi riêng mình? Cả tuổi thơ con bên cha nhưng chẳng thấy được. Nước mắt cùng nỗi đau và những nỗi buồn…". Đó là lời đoạn kết của ca khúc "Cha và con gái" được học viên H.T.D. (SN 2002, ngụ huyện Long Điền) thể hiện trong chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề "Thắp sáng niềm tin". Ca khúc khiến những người dự khán trong hội trường Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) bùi ngùi xúc động.
Trò chuyện cùng học viên trong chương trình, chúng tôi hiểu được phần nào về hoàn cảnh của họ. Đằng sau những lỗi lầm của tuổi trẻ, họ vẫn có niềm tin làm lại cuộc đời, rời xa "làn khói trắng".
Trước khi vào cơ sở điều trị, học viên D. là "hot girl" mà bao chàng trai theo đuổi bởi thân hình nhỏ nhắn, gương mặt xinh xắn. D. tâm sự, sống trong gia đình khá giả, nhưng từ nhỏ đã thiếu tình thương của mẹ. Khi bước vào tuổi dậy thì, D. bắt đầu tìm tới "làn khói trắng".
Dù mới tuổi 22 nhưng D. đã sử dụng ma túy 7 năm, khi đang còn là học sinh THCS. Năm 2023, khi cùng nhóm bạn đang bay lắc trong khách sạn thì D. bị bắt, đưa đi cai nghiện bắt buộc. "Em sử dụng ma túy từ lâu, gia đình có biết nhưng không ai nói được. Khi mới vào cai cảm giác bứt rứt, rất khó chịu, sau thời gian em cũng quen dần. Ở trong này, em mới thấy bản thân có lỗi với gia đình. Em sẽ quyết tâm từ bỏ ma túy", D. chia sẻ.
Dạy nghề cho học viên
Rời hội trường, chúng tôi đến thăm khu lao động trị liệu, nơi các học viên tham gia lớp nghề, rèn luyện thói quen lao động. Gặp T.V.T. (SN 2002, ngụ TX.Phú Mỹ) tại khu đan giỏ lục bình, chúng tôi ấn tượng bởi kỹ năng đan khá chuyên nghiệp. Dù mới học đan chưa được bao lâu nhưng T. rất nhanh trí. Cuốn theo công việc nên T. không còn cảm giác thèm ma túy.
T. cho biết, lần đầu tiên điều trị tại cơ sở cai nghiện ma túy, nhưng trước đó đã có thời gian đi trường giáo dưỡng. Cũng như nhiều hoàn cảnh khác, T. ít được gia đình quan tâm bởi ba mẹ ly hôn từ khi còn bé.
Không định hướng được tương lai, T. tụ tập chơi bời với bạn xấu tại địa phương. Năm 2020, trong một lần ăn nhậu cùng "đàn anh", T. được mồi chài thử ma túy. Từ đó, T. tìm đến "nàng tiên nâu" mỗi khi tâm trạng không vui.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là nơi tiếp nhận điều trị cho hơn 1.200 học viên. Trong đó, có gần 800 học viên trong độ tuổi thanh niên. |
"Ban đầu tôi chỉ nghĩ hút cho vui, nhưng sau này khi buồn thì lại nhớ nó. Lúc vào đây, ngồi tĩnh tâm lại mới thấy hối hận vì lỗi lầm tuổi trẻ. Tôi đang điều trị tốt để ra đời, bù đắp lỗi lầm với gia đình", T. quyết tâm nói.
Ông Đoàn Văn Mãi, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết, người nghiện ma túy được điều trị tại cơ sở có xu hướng tăng và trẻ hóa. Để học viên ổn định tâm lý, có động lực cai nghiện, cơ sở đã phối hợp với các đơn vị, DN mở các lớp đào tạo nghề trong khu quản lý học viên.
Các lớp đào tạo nghề, lao động trị liệu được triển khai sau khi học viên hoàn thành cắt cơn cai nghiện. Công việc sẽ được bố trì phù hợp với sức khỏe và tâm lý của từng học viên. Từ đó, giúp họ giảm bớt sự mặc cảm, có kỹ năng cơ bản khi trở về cộng đồng.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ mở 8 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho các học viên để khi tái hòa nhập cộng đồng các em có thể tạo ra được giá trị cho xã hội, giảm bớt tự ti, mặc cảm, có niềm tin làm lại cuộc đời", ông Mãi chia sẻ.
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN