Để ngăn chặn tội phạm, Bộ Công an đề xuất bổ sung “dao có tính sát thương cao” vào danh mục vũ khí thô sơ trong dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để quản lý. Trường hợp sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Hung khí nguy hiểm được các đối tượng tại huyện Xuyên Mộc sử dụng để giải quyết mâu thuẫn. |
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7 khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến thảo luận về dự án luật này.
Hàng ngàn vụ án liên quan đến dao
Theo Bộ Công an, 5 năm qua, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… có 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án.
Riêng đối tượng, sử dụng các loại dao gây án chiếm 66,4%. Trong đó, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong Nhân dân. Thực tế hiện nay, tình trạng đối tượng là thanh, thiếu niên thành lập các băng, nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc, nhọn, hàn thêm tuýp sắt dài từ 1-2m để giải quyết mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, đe dọa người dân, gây bức xúc dư luận xã hội.
Đơn cử, cuối tháng 12/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuyên Mộc đã bắt 9 đối tượng sử dụng dao phóng lợn, dao bầu, đao, kiếm… để giải quyết mâu thuẫn. Theo nhận định của cơ quan công an, hành vi của các đối tượng rất manh động, có tính chất côn đồ làm người dân lo lắng và ảnh hưởng đến tình hình ANTT của địa phương.
Trước đó, ngày 5/12/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức đã xử lý 17 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Chỉ vì mâu thuẫn trong khi ăn nhậu, 2 nhóm thanh niên (tuổi từ 16-22) sử dụng dao bầu, ba chĩa tự chế, rựa hẹn nhau hỗn chiến tại KP.Ngãi Giao (TT.Ngãi Giao) gây hoang mang dư luận. Manh động hơn, khi một đối tượng bị thương tích được đồng bọn đưa vào Trung tâm y tế huyện Châu Đức, đối tượng trong nhóm đối thủ đuổi theo xông vào đập phá đuổi đánh nhưng được can ngăn.
Với tính chất nguy hiểm như vậy, cần phải đưa dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Bên cạnh đó, vũ khí thô sơ khi được trang bị cho lực lượng vũ trang để sử dụng đấu tranh trực diện, trực tiếp với tội phạm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người cũng nguy hiểm như các loại vũ khí quân dụng khác. Do đó, cần thiết phải đưa các loại vũ khí thô sơ này vào nhóm vũ khí quân dụng nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi của các đối tượng, giảm nguồn tội phạm.
Không là vũ khí trong lao động, sinh hoạt
Tuy dao có tính sát thương cao nhưng là phương tiện lưỡng dụng, được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, để bảo đảm không ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội của Nhân dân, dự thảo luật chỉ quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí khi đối tượng sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải là vũ khí.
Như vậy, việc quy định dao có tính sát thương cao trong dự thảo luật được phân định rõ: Dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích trái pháp luật là vũ khí thô sơ. Dao có tính sát thương cao khi được trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng. Dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN