Gặp tai nạn giao thông trên đường, không ít người do dự trong việc ra tay cứu giúp, sợ rằng mình có thể bị hiểu lầm là thủ phạm gây tai nạn. Tuy nhiên, hành động cứu người không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc.
Hiện trường một vụ tai nạn trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Bà Rịa. |
Phân vân vì sợ hiểu nhầm
Tối 2/4/2024, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Bà Rịa xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa một người điều khiển xe máy và một người đi bộ băng qua đường. Nạn nhân nằm giữa đường, trong khi nhiều người qua đường ngập ngừng, lo ngại vì trời tối và không rõ tình huống, sợ rằng hành động cứu người có thể dẫn đến rắc rối cho bản thân. Một số người chứng kiến đã gọi cấp cứu 115 hoặc cảnh sát 113 để thông báo sự việc, xem đó là cách hoàn thành trách nhiệm của mình.
Trong lúc đó, một TikToker tên Nguyễn Quốc đã gọi cho đội SOS72 đến hiện trường để giúp đỡ. Anh chia sẻ, công việc của anh thường xuyên phải di chuyển trên đường và gặp nhiều vụ tai nạn, kể cả vào ban đêm. Khi thấy tai nạn, anh dùng điện thoại chụp ảnh hoặc quay phim hiện trường để làm bằng chứng. Sau đó, anh nhờ người hỗ trợ kiểm tra sơ bộ người bị nạn, thực hiện sơ cứu và gọi cấp cứu nếu cần thiết.
"Nếu người bị nạn còn tỉnh, tôi hỏi thông tin để gọi người thân của họ đến giúp đỡ. Việc ghi lại hình ảnh và video là rất quan trọng để cung cấp cho cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân, tránh việc hiểu nhầm và những rắc rối không đáng có", TikToker Nguyễn Quốc cho hay.
Không cứu người có thể gặp rắc rối
Câu lạc bộ SOS72 được thành lập tháng 6/2019 tại TP.Bà Rịa, chuyên cứu giúp những trường hợp bị nạn trên đường. Anh Nguyễn Tấn Phúc, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB hoạt động với phương châm cứu người là trên hết. “CLB được Hội LHTN Việt Nam tỉnh ra quyết định công nhận là thành viên nên rất thuận lợi khi làm nhiệm vụ. Dù vậy, trong quá trình cứu người, anh em cũng chứng kiến nhiều trường hợp người thân của nạn nhân nóng tính, gây gổ với người cứu giúp hoặc lực lượng y tế vì chưa hiểu rõ nguyên nhân”, anh Phúc nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.Bà Rịa nhấn mạnh, việc cứu giúp người gặp nạn không chỉ là đạo đức mà còn là nghĩa vụ pháp lý mà công dân phải thực hiện. Cụ thể, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm hành vi không cứu giúp người bị tai nạn khi có điều kiện.
Việc cứu người gặp nạn không chỉ thể hiện tính nhân văn mà còn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít người cứu giúp đã gặp phải những rắc rối như bị hiểu lầm là người gây tai nạn, bị người nhà nạn nhân chửi bới, hành hung hoặc thậm chí bị khiếu kiện.
Nhiều người cho rằng việc cứu người là trách nhiệm của cơ quan chức năng và lực lượng y tế, và việc dừng lại cứu người có thể gây cản trở giao thông hoặc ảnh hưởng đến công việc cá nhân. “Tuy nhiên, theo khoản 7, Điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi không cứu giúp người bị TNGT có thể bị phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, và từ 1 đến 2 triệu đồng đối với tổ chức”, ông Nguyễn Văn Tuấn thông tin.
Hành vi không cứu người còn có thể gặp rắc rối về mặt pháp lý. Cụ thể, Điều 132 Bộ luật Hình sự quy định người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Để tránh những hiểu lầm không đáng có, khi gặp tai nạn, chúng ta cần bình tĩnh, tìm người hỗ trợ, ghi lại hiện trường bằng hình ảnh và video, kiểm tra phương tiện, tài sản của nạn nhân và nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện. Đồng thời, cần báo ngay cho cơ quan chức năng. Đây là hành động không chỉ mang tính nhân văn, đạo đức mà còn phù hợp với quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: VÕ ĐỨC