Điều tra làm rõ vụ thầy giáo trường chuyên bị tố quấy rối nữ sinh

Thứ Tư, 17/04/2024, 22:29 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 17/4, trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở đã nắm thông tin một thầy giáo Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bị một nữ sinh phản ánh có hành vi quấy rối tình dục. Trong thẩm quyền, Sở đã có những chỉ đạo liên quan đến sự việc này.

Vụ việc đang được điều tra làm rõ

Cuối tháng 3-2024, một phụ huynh tên T. đã gửi “đơn xin cứu giúp” đến cơ quan chức năng TP. Vũng Tàu. Trong đơn trình bày việc con gái bà (hiện đang là HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) bị một thầy giáo ở trường có hành vi quấy rối tình dục.

Đơn đã được bộ phận tiếp dân TP.Vũng Tàu chuyển Sở GD-ĐT. Sở đã giao cho Thanh tra Sở vào cuộc xử lý theo đúng quy định, đồng thời yêu cầu Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn giải quyết sự việc.

Hiện nay, Sở đã báo cáo sự việc với lãnh đạo cấp trên. Công đoàn ngành giáo dục, Công đoàn Sở GD-ĐT cũng đã đến thăm gia đình em HS nói trên để động viên tinh thần phụ huynh và HS.

Về phía Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhà trường đã tạm dừng công việc đối với thầy giáo bị phản ánh trong thời gian chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Bà Châu nhấn mạnh: “Khi sự việc chưa được làm rõ, nhiệm vụ của ngành là bảo vệ HS và GV, không để phát sinh những sự việc ngoài ý muốn, để lại hậu quả đáng tiếc”. Quan điểm của lãnh đạo ngành giáo dục là tôn trọng lẽ phải, không bao che, giấu giếm. Nếu thầy giáo có hành vi vi phạm thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phản ánh không đúng sự thật thì phải “trả lại” vị trí việc làm cho thầy giáo. Nếu HS vi phạm thì ngành giáo dục cũng có trách nhiệm vì đã không làm tròn nhiệm vụ giáo dục các em.

Được biết, trước khi phụ huynh có đơn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã nắm bắt thông tin từ những tin đồn trong trường học. Nhà trường đã làm việc với GV, phụ huynh, HS và những người có liên quan.

Thầy giáo bị phản ánh khẳng định không có sự việc nói trên. Tới giữa tháng 4, sự việc bắt đầu lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, vụ việc đang được Công an TP.Vũng Tàu xác minh, làm rõ theo quy định. Hiện cơ quan công an đã mời 2 bên lên làm việc.

Thông tin liên quan đến vụ việc này sẽ được tiếp tục cập nhật trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng có thể bị xử lý hình sự

Mấy ngày nay, hình ảnh đơn xin cứu giúp của gia đình em HS bị chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Trong đó có đầy đủ thông tin cá nhân của em HS và phụ huynh. Cùng với đó là thông tin và hình ảnh của thầy giáo bị tố xâm hại, hình ảnh của các thành viên trong gia đình thầy.

Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Luật sư tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu cho biết, những hành vi trên là vi phạm pháp luật vì lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng, lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của tập thể, cá nhân.

Hiện nay, đã có những chế tài để ngăn chặn, xử lý các hành vi này và tùy theo tính chất, mức độ, loại hành vi, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị khởi kiện để yêu cầu bồi thường về dân sự, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó hành vi đăng ảnh người khác lên mạng xã hội nhằm mục đích xấu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cá nhân vi phạm thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định, tùy theo tính chất, mức độ, loại hành vi mà sẽ phạm một tội hoặc một số tội theo quy định của Bộ luật này.

Theo điều 155, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 156 Bộ Luật Hình sự cũng quy định rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với 2 người trở lên; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Vì động cơ đê hèn; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát… Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Điều 288 quy định nội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó…

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát…

Ngoài ra, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

KHÁNH CHI - SƠN KHÊ

;
.