Không lơ là phòng cháy, chữa cháy nhà ở liền kề

Chủ Nhật, 03/03/2024, 17:14 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở liền kề trong khu dân cư gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lực lượng chức năng chưa ghi nhận vụ cháy lớn gây thương vong về người, nhưng một số vụ cháy nhà dân gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác PCCC tại các gia đình.  

Người dân tham gia tập huấn PCCC do Lực lượng Cảnh sát PCCC-Công an TP.Vũng Tàu tổ chức.
Người dân tham gia tập huấn PCCC do Lực lượng Cảnh sát PCCC-Công an TP.Vũng Tàu tổ chức.

Nhà duy nhất 1 lối thoát nạn

Khoảng 17 giờ ngày 19/2, chủ 1 căn nhà tại đường Phan Huy Chú, phường 2 (TP.Vũng Tàu) do sơ suất thắp đèn cầy bàn thờ ông địa, nên đã xảy ra cháy. Căn nhà này chỉ có duy nhất 1 cửa ra vào phía trước. Nhận được tin báo, Đội cảnh sát PCCC khu vực 2, Phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) đã triển khai lực lượng đến hiện trường chữa cháy. Đến 19 giờ 50 phút cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn không để cháy lan, cháy lớn. Thiệt hại vụ cháy 1 bộ ghế sô pha, 1 đèn chùm và một số đồ dùng trong gia đình. Tổng tài sản thiệt hại khoảng hơn 30 triệu đồng. 

Theo Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh), nhà ở liền kề, nhà ở kết hợp sản xuất-kinh doanh nằm xen lẫn trong khu dân cư có diện tích không lớn. Loại nhà này sử dụng chung một cửa ra vào, không có lối thoát nạn riêng giữa khu vực sinh hoạt và khu vực sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tại thành phố, các nhà ở phổ biến là dạng nhà ống, bố trí liền kề, diện tích tầng thường được sử dụng triệt để làm khu vực kinh doanh, sản xuất. Trên các tầng 2, 3, 4… sử dụng để ở hoặc nhà kho.

Ngoài ra, các căn nhà này còn tự cơi nới thêm một phần diện tích, tự bố trí thêm các chuồng cọp, lồng sắt chống trộm, sắp xếp hàng hóa, xe cộ để lấn chiếm lối và đường thoát nạn. Chưa kể đến một số nhà nằm sâu trong các con hẻm, đường giao thông chật hẹp, không đảm bảo cho việc tiếp cận để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH khi có cháy, nổ xảy ra.

Cẩn trọng sử dụng các nguồn nhiệt

Đại úy Trần Minh Dương, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) cho biết, Nam Bộ  đang vào mùa nắng nóng, hanh khô, kèm theo gió lớn, nên việc bất cẩn trong sử dụng nguồn điện, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh còn câu mắc điện không đảm bảo an toàn, dễ gây chạm chập, quá tải. Ngoài ra, chủ nhà để các vật liệu, hàng hóa dễ cháy gần nguồn điện, bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ...

Trong khi đó, nhận thức về phòng, chống cháy nổ của một bộ phận người dân còn hạn chế. Công tác PCCC tại chỗ ở các khu dân cư, nhà dân trên địa bàn tỉnh chưa được mọi người quan tâm đúng mức. Các hộ gia đình trong quá trình sinh hoạt đã sử dụng một phần của nhà hoặc toàn bộ căn nhà để sản xuất, kinh doanh các ngành, nghề rất đa dạng từ ăn uống, may mặc, đồ hàng mã, tạp hóa đến kinh doanh gas, bếp gas, đồ gia dụng và các loại hình dịch vụ giải trí khác...

Nâng cao kỹ năng thoát nạn

Đại úy Trần Minh Dương cho biết, để PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ, nhà ở liền kề trong khu dân cư người dân cần chủ động tìm hiểu, trang bị kỹ năng xử lý tình huống khi có cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng điện, gas an toàn...Khi đun nấu người dân phải quản lý chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu khó cháy. Nên lắp đặt các thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas và niêm yết quy trình xử lý khi phát hiện rò rỉ khí gas tại khu vực bếp...

Trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 271 vụ cháy (1 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy trung bình, 263 vụ cháy nhỏ gây thiệt hại không đáng kể) làm bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, các vụ cháy xảy ra ở thành thị 146/271 vụ (chiếm tỷ lệ 53,8%), nông thôn 125/271 vụ (chiếm tỷ lệ 46,2%).

Bên cạnh đó, không để các tài sản, vật dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; đèn, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy và cách xa vật dễ cháy; hạn chế tối đa đổ vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ; chỉ đốt nến, thắp nhang khi có người ở nhà trông coi; khi đốt vàng mà phải trông coi, có che chắn để tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

Đồng thời, sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy trong gia đình phải ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m; không để hàng hóa, xe cộ lấn chiếm lối và đường thoát nạn trong nhà; không buôn bán, tàng trữ trái phép pháo, các chất nguy hiểm cháy nổ khác…

“Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tăng cường công tác tuyên truyền PCCC, tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn, sử dụng thiết bị PCCC cho người dân ở các khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng… Qua công tác tuyên truyền, ý thức PCCC của người dân đã được cải thiện đáng kể”, Đại úy Trần Minh Dương nói.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

;
.