.

Ám ảnh tai nạn bởi chó thả rông

Cập nhật: 16:51, 13/03/2024 (GMT+7)

Chó thả rông gây tai nạn giao thông (TNGT) là nỗi ám ảnh đối với người đi đường. Thực tế gần đây, đã xảy ra tai nạn chết người có nguyên nhân từ chó thả rông.

Hiện trường vụ TNGT xảy ra tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) làm 2 người thương vong do chó thả rông.
Hiện trường vụ TNGT xảy ra tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) làm 2 người thương vong do chó thả rông.

Hậu quả khôn lường

Theo quy định, chủ sở hữu đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm, xích giữ chó và có người dắt. Thế nhưng, thực tế nhiều chủ vật nuôi không chấp hành quy định, dẫn đến tình trạng chó thả rông gây tai nạn cho người đi đường. 

Đơn cử, khoảng 20h30 ngày 8/3, xe mô tô BKS 72G1-822... do chị Tr.M.H. (SN 2007) điều khiển, chở theo N.T.Đ. (SN 2007, cùng trú tại ấp Thanh Bình 2, xã Bình Châu) lưu thông trên đường ven biển theo hướng từ Bình Châu đi biển Hồ Cốc. Khi đến khu vực ấp Thanh Bình 3 (xã Bình Châu) thì xảy ra va chạm với chó thả rông. Hậu quả, nạn nhân Đ. tử vong còn H. bị thương.

Trước đó, đầu tháng 3, ông Ch.K.D. (trú tại TP.Vũng Tàu) điều khiển xe tải biển số 72C-184... đi làm tại khu vực phía sau chợ đêm Vũng Tàu thì một con chó bất ngờ băng qua đường. Do đánh lái tránh, xe của ông D. va chạm vào gốc cây bên đường khiến phần đầu hư hỏng nặng, ông D. bị gãy 2 răng, rách môi phải khâu 10 mũi. “Người nuôi chó cần quản lý chặt, không thả rông để tránh gây hậu quả cho người khác”, ông D. nói.

Đã từng bị ngã xe do né chó thả rông chạy sang đường, bà P.T.T. (nhà ở TP.Vũng Tàu) bức xúc nói: “Khi đang lưu thông trên đường thì một con chó bất ngờ chạy qua làm tôi giật mình phanh gấp ngã sõng soài, bầm dập tay chân. Theo tôi, chính quyền cần xử lý nghiêm những người nuôi chó thả rông, vì gây nguy hiểm cho người đi đường”.

Có thể bị phạt đến 10 năm tù

Để dẹp vấn nạn chó thả rông, cuối năm 2023, các địa phương như: TP.Vũng Tàu, huyện Châu Đức đã thành lập đội chuyên trách ra quân bắt chó, mèo thả rông. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức tập huấn kỹ năng bắt vật nuôi (chó, mèo) thả rông…

Tổ bắt giữ chó, mèo phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra các tuyến đường trên địa bàn, tại các nơi công cộng, các tổ dân cư, khi phát hiện có chó thả rông không rọ mõm, dùng điện thoại ghi hình, xác định chủ vật nuôi, đồng thời lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định. 

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, hoạt động này nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về quản lý vật nuôi, phòng chống bệnh dại, giữ vệ sinh môi trường, văn minh đô thị. Đồng thời, đảm bảo an ninh trật tự nơi công cộng, an toàn giao thông.

Phân tích về vấn đề pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, tùy vào tính chất, mức độ hậu quả gây ra, chủ vật nuôi có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại về mặt dân sự. Thậm chí, chủ nuôi chó có thể bị xử lý hình sự nếu vi phạm quy định về nuôi, nhốt, để vật nuôi tấn công, lây bệnh, gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác. 

Cụ thể, theo Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng. Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác thì có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Luật sư Cảnh cho biết thêm, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chi phí cứu chữa, tổn thất tinh thần... cho nạn nhân theo quy định tại Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự.

Nếu vật nuôi gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương 31-60% thì người chủ sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 138 Bộ luật Hình sự, với mức phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù.

Trường hợp vật nuôi làm chết người thì có thể áp dụng Điều 128 Bộ luật Hình sự, xử lý người chủ về tội “Vô ý làm chết người”, với khung hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

Thiết nghĩ, để hạn chế việc vật nuôi thả rông gây TNGT, người chủ cần có ý thức hơn trong việc quản lý vật nuôi, không thả rông. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN - THANH HỒNG

.
.
.