Nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân dự báo tăng cao dịp cuối năm, nếu không cẩn thận rất dễ xảy việc chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng. Vậy khi chuyển hay nhận tiền gửi nhầm vào tài khoản, người dân cần làm gì?
Người dân cần kiểm tra thật kỹ các thông tin về tài khoản ngân hàng để tránh chuyển nhầm tiền. (Ảnh minh họa) |
Gian nan đòi tiền chuyển nhầm
Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, chị Nguyễn Thị Hải Yến (ngụ TP.Vũng Tàu) cho biết, ngày 18/7, chị thực hiện lệnh chuyển tiền từ App E-Mobile Banking của một ngân hàng nhà nước. Do nhầm lẫn, chị chuyển gần 7 triệu đồng vào tài khoản của người tên T.T.H. mở tại một ngân hàng khác.
Khi phát hiện nhầm lẫn, chị chuyển thêm 10.000 đồng vào tài khoản T.T.H., kèm theo số điện thoại với hy vọng chủ tài khoản liên hệ lại. Tuy nhiên, chị không hề nhận được phản hồi của người này. Tiếp đó là chuỗi ngày chị “chạy” lòng vòng khắp chi nhánh ngân hàng và đơn vị liên quan để thông báo vụ việc, làm thủ tục để mong được can thiệp, giúp thu hồi số tiền chuyển nhầm. Tuy nhiên, hơn 4 tháng trôi qua, chị không nhận được bất cứ thông tin nào. “Tôi cũng không hiểu sao 2 ngân hàng khác nhau mà số tài khoản lại giống nhau. Và việc xử lý lấy lại tiền chuyển nhầm lại khó khăn như vậy”, chị Yến bức xúc.
Ngược với trường hợp trên, ngày 24/11, tài khoản ngân hàng mở tại một ngân hàng TMCP của anh Lê Gia Thuận (ngụ huyện Châu Đức) bất ngờ nhận được gần 2 triệu đồng từ số tài khoản lạ. Từng nghe nhiều thông tin về đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu trò chuyển tiền nhầm nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân nên anh Thuận rất lo lắng. “Nhiều ngày trôi qua, phía chuyển tiền lẫn ngân hàng không có thông báo nào. Tôi sẽ tới ngân hàng để thông báo việc nhận được số tiền trên và yêu cầu trả lại cho người chuyển”, anh Lê Gia Thuận nói.
Khai báo nhờ hỗ trợ xử lý
Theo bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc Vietinbank-Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, người dân chuyển tiền nhầm tài khoản nên đến chi nhánh ngân hàng gần nhất của hệ thống ngân hàng mà mình mở tài khoản để thực hiện tra soát hỗ trợ chuyển trả tiền chuyển nhầm.
Trường hợp số tiền chuyển nhầm có giá trị lớn mà sau khi liên hệ người có tài khoản bị chuyển nhầm không có thiện chí trả lại thì có thể đến cơ quan công an điều tra để khai báo nhờ hỗ trợ xử lý. “Trường hợp nhận được tiền chuyển nhầm vào tài khoản, người dân nên đến ngân hàng nơi mình mở tài khoản để nhờ ngân hàng thực hiện chuyển trả lại cho người chuyển nhầm”, bà Hà hướng dẫn thêm.
Khi vô tình nhận tiền từ người khác chuyển nhầm vào tài khoản, chủ tài khoản có trách nhiệm trả lại cho người đã chuyển nhầm, nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được quy định tại khoản 1, Điều 579 Bộ luật Dân sự.
Nếu cố tình chiếm giữ, sử dụng số tiền chuyển khoản nhầm, người chiếm giữ có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo số tiền chiếm giữ.
Cụ thể, nếu chiếm giữ số tiền dưới 10 triệu đồng, người chiếm giữ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3-5 triệu đồng, buộc hoàn trả lại số tiền đã chiếm giữ cho người chuyển nhầm (theo quy định tại Điều 15, Nghị định 144/2021). Số tiền chiếm giữ, sử dụng từ 10 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản, với hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù (theo quy định tại Điều 176, Bộ luật Hình sự 2015).
(Luật sư Nguyễn Trí Độ, Đoàn Luật sư tỉnh)
|
Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, ngân hàng còn có quy định hướng xử lý riêng. Theo các chuyên gia, khi chuyển tiền nhầm tài khoản, người dùng cần thông báo ngay cho ngân hàng để tra soát giao dịch. Nếu xác minh việc giao dịch là nhầm lẫn, ngân hàng sẽ liên hệ với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản mà bạn đã chuyển tiền nhầm và yêu cầu họ chuyển hoàn lại. Thông thường, ngân hàng sẽ mất 30 - 45 ngày để tra soát giao dịch.
Người dùng sau khi thông báo với ngân hàng việc chuyển tiền nhầm, có thể tiếp tục gửi thêm khoản tiền nhỏ với nội dung nhờ họ liên lạc lại, cho người nhận tiền nhận được thông tin. Nội dung chuyển tiền thường ngắn gọn, giới thiệu cho họ biết mình là người gửi nhầm kèm số điện thoại để liên lạc.
Trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm chủ động liên hệ lại và 2 bên tự giải quyết, cần báo lại với ngân hàng. Trường hợp người nhận được tiền không liên hệ lại, người dùng tiếp tục chờ thời gian để ngân hàng tra soát giao dịch.
Sau thời gian tra soát, nếu tài khoản thụ hưởng đã chuyển nhầm vẫn còn đủ số dư khả dụng, tiền sẽ được hoàn lại vào tài khoản của người chuyển nhầm. Trường hợp người được chuyển nhầm đã rút hết tiền và cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả. Ngân hàng buộc phải liên hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng như tòa án, công an để có hướng giải quyết là thu hồi lại số tiền.
Nếu ngân hàng không liên hệ được với người nhận qua số điện thoại, người chuyển tiền có thể yêu cầu ngân hàng liên hệ qua địa chỉ hoặc thông báo qua tài khoản Internet banking. Nếu người nhận cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả thì người chuyển nhầm có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân của người nhận. Tiếp đó làm thủ tục khởi kiện đòi lại tiền hoặc làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan công an để tiến hành điều tra.
Trường hợp là người nhận được tiền chuyển khoản nhầm, chủ tài khoản không được sử dụng số tiền nhận được vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm. Tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không xác minh được và không có bên thứ ba làm chứng.
Người nhận tiền chuyển nhầm cần chủ động thông báo hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc. Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem có đúng số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.
Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hay thậm chí là liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN