Thay vì động viên nhau thoát khỏi tình trạng căng thẳng hay trầm cảm, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội Facebook lại hướng thành viên đến lối sống tiêu cực, thậm chí xúi giục tự tử. Hành vi này là phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.
Các hội nhóm độc hại tràn lan trên Facebook. |
Tràn lan hội nhóm độc hại
Truy cập vào Facebook, gõ tìm kiếm từ khóa “tự tử” sẽ xuất hiện hàng loạt nhóm như: Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử, Hội những người muốn tự tử tập thể, Tâm sự của những người muốn tự tử… với sự tham gia của hàng ngàn thành viên. Hầu hết thành viên nhóm đều ẩn danh, chia sẻ những thông tin tiêu cực, chán chường.
Bài viết đăng tải nội dung chủ yếu về hoàn cảnh gia đình bị phá sản, ngoại hình không như mong muốn, trầm cảm trong thời gian dài, điểm thi thấp, bị cô lập trong lớp học... Do đó, người đang chán nản sẽ được “chỉ dạy”, dễ dẫn đến hành vi làm tổn hại bản thân.
Nguy hiểm hơn, nhiều tài khoản còn hướng dẫn cách tự tử như: sử dụng thuốc độc, uống thuốc quá liều, thậm chí “tác động hành vi để nhanh chết”. Dưới các bài viết có đến hàng trăm bình luận của nhiều thành viên nhóm khuyến khích nạn nhân tìm đến cái chết từ việc dùng thuốc, xúi giục thực hiện hành vi nguy hiểm.
Mối nguy không thể xem thường
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty tư vấn và trị liệu tâm lý Châu Á - ASIA MCC cho biết, gần một nửa thành viên tham gia các trang Facebook, hội nhóm độc hại trên không gian mạng có độ tuổi còn trẻ. Các thành viên này được xác định đang phải vật lộn với chứng trầm cảm và các dạng bệnh lý tâm thần khác. Họ tập hợp thông qua các cuộc trò chuyện trực tiếp, đăng bài trên blog, hội nhóm công khai của trang web, Facebook nhằm thúc đẩy nhau thực hiện kế hoạch tự sát. Trong đó, các thành viên ghi lại hành động tự sát của bản thân trong thời gian thực hiện và những người khác phản ứng bằng biểu tượng cảm xúc hoặc bình luận động viên.
Theo bà Lan Phương, nguyên nhân người trẻ tham gia vào trang web, hội, nhóm xúi giục “tự tử” là do họ cảm thấy mình thất bại trong chuyện tình cảm, bị bắt nạt, trêu chọc ở trường đến việc bị điểm kém… Ngoài ra, các nguyên nhân khác như mâu thuẫn gia đình, bị cha mẹ la mắng, áp lực kinh tế, sự thất bại trong việc đáp ứng những kỳ vọng của gia đình, xã hội. Từ đó, họ có cảm xúc buồn bã, chán nản, thất vọng, khiến họ muốn tìm đến cái chết. Trong sự cô đơn tuyệt vọng giữa đời sống thực, nhiều bạn trẻ vô tình tiếp xúc với hội nhóm tiêu cực và được chỉ dạy, hướng dẫn để tìm đến cái chết.
Bà Lan Phương cho biết thêm, để ngăn ngừa tình trạng trên, gia đình ngoài việc quan tâm chia sẻ với con về mặt cảm xúc, cần chú ý đến cách cư xử khác lạ như: đóng kín mối quan hệ với bạn bè, người xung quanh; né tránh tương tác với các thành viên trong gia đình; mua trữ thuốc hay viết thư tuyệt mệnh…
“Cần xây dựng những mô hình can thiệp dựa vào nhà trường, cộng đồng đề phòng hành vi người trẻ muốn tự sát. Chúng ta phải ngăn chặn, cảnh báo tính nguy hại của các trang web, hội nhóm độc hại đến với giới trẻ. Song song đó, cơ quan chức năng cần can thiệp ngăn chặn nội dung và sự tồn tại của các trang web, hội nhóm độc hại”, bà Lan Phương kiến nghị.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng hành vi đăng tải lên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, bày cách hay rủ nhau tự tử đều bị coi là phạm pháp. Hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt từ 10-20 triệu đồng.
“Hành vi kích động, dụ dỗ, xúi giục người khác tự sát hoặc tạo điều kiện về vật chất hoặc tinh thần để người khác tự sát có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp khiến 2 người tự sát trở lên có thể bị xử phạt từ 2-7 năm tù”, luật sư Nguyễn Văn Cảnh phân tích.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN