Công việc vất vả, áp lực trong khi thu nhập chưa tương xứng, thậm chí cơ hội thăng tiến chậm khiến nhiều thư ký TAND hai cấp ở tỉnh đang rất tâm tư.
Thư ký Trần Thị Thu Hồng tại một phiên xét xử của TAND tỉnh. |
Quay cuồng với công việc
18 giờ một ngày đầu tháng 9, phiên xét xử vụ án “giết người” mới kết thúc. Trong khi những người tham dự phiên xử lần lượt ra về thì chị Trần Thị Thu Hồng (thư ký TAND tỉnh) vẫn ở lại tắt các thiết bị điện, dọn dẹp bàn ghế và đóng cửa phòng xét xử. “Xong việc ở phòng xét xử, tôi còn ở lại làm hồ sơ thêm khoảng 2 tiếng nữa mới có thể về”, chị Hồng chia sẻ.
Mỗi phiên tòa mở ra, chị Hồng phải đến từ rất sớm để mở cửa và sắp xếp phòng xét xử. Sau đó tất bật kiểm tra thông tin những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên tòa trước khi HĐXX bước vào làm việc. “Gần tới giờ xét xử mà chưa thấy những người được triệu tập, người tham gia tố tụng là tôi phải chạy đôn chạy đáo, tìm mọi cách liên lạc nhắc họ đến phiên xử”, chị Hồng nói.
Năm 2018, TAND hai cấp của tỉnh được giao biên chế 62 thư ký viên. Tuy nhiên, đến tháng 3/2023 mới có 47 thư ký viên. Biên chế thẩm phán, thư ký TAND 2 cấp thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Dẫn đến quá tải, phải thường xuyên làm việc, xét xử vào ngày nghỉ để giải quyết công việc kịp thời và đáp ứng thời hạn tố tụng. |
Ngoài những lúc ghi biên bản tại phiên xét xử, chị Hồng còn phải ghi biên bản tại buổi hòa giải, dò án văn trước khi phát hành, giao án văn cho Viện Kiểm sát, gửi thư cho những đương sự hợp tác, hoàn thiện đánh bút lục, lập bảng kê bút lục, kiểm tra hồ sơ trước khi lưu kho, chuyển kháng cáo, chuyển hồ sơ hay tiếp đương sự... Có lúc chị phải chạy cả ngày ngoài đường để đi xác minh; tống đạt thông báo văn bản tố tụng cho cá nhân, cơ quan, tổ chức ở các địa điểm khác nhau.
Tương tự, anh Đặng Trung Tín (thư ký TAND tỉnh) hằng ngày cũng luôn tất bật với công việc. Mọi người tới tòa lúc nào cũng thấy anh đi như chạy từ phòng làm việc tới phòng xét xử, tay bê chồng hồ sơ cao gần tới cổ, lưng mướt mồ hôi. “Công việc tuy bận rộn nhưng tôi tranh thủ trao đổi, học hỏi thêm kiến thức tại các phiên xét xử. Làm thư ký được theo dõi và ghi biên bản tại mỗi phiên xử là những bài học và kinh nghiệm quý báu cho công việc của bản thân”, anh Tín chia sẻ.
1 thư ký “gánh” 5 thẩm phán
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Hồng Nguyệt, Chánh án TAND TP.Bà Rịa cho biết, TAND TP.Bà Rịa có 14 thẩm phán nhưng chỉ có 3 thư ký. Tuy nhiên có 1 thư ký sắp nghỉ sinh nên thực tế còn 2 thư ký làm việc. “Ở TAND TP.Bà Rịa mỗi thư ký phải giúp việc cho 4-5 thẩm phán. Không đủ thư ký phụ việc khiến lịch xét xử bị trùng, công việc xử lý không kịp ảnh hưởng rất lớn đến công tác xét xử, giải quyết án”, bà Nguyệt thông tin.
Theo Chánh án TAND TP.Bà Rịa, tình trạng thiếu thư ký tòa đã diễn ra nhiều năm qua. TAND thành phố đã phải linh động bằng cách nhờ các thẩm phán “giúp việc” cho thư ký. Những việc như tiếp công dân, làm báo cáo, ghi biên bản hòa giải… vốn là công việc của thư ký thì nay thẩm phán hỗ trợ làm giúp. “Việc tống đạt các văn bản, thông báo tố tụng thì hợp đồng thêm người hoặc gửi qua bưu điện”, bà Nguyệt nói.
Chế độ, chính sách đối với thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của tòa án hiện nay rất thấp. Cụ thể, một người tốt nghiệp đại học luật được tuyển dụng vào TAND thời điểm năm 2022. Sau khi hết thời gian tập sự và được bổ nhiệm vào ngạch thư ký tòa án được hưởng lương bậc 1, hệ số 2,34, phụ cấp ngành 0,468, phụ cấp công vụ 0,585. Tổng cộng là 3,393 mức lương hàng tháng được hưởng gần 5,1 triệu đồng. Trừ khoản nộp BHXH, BHYT, thực tế còn gần 4,7 triệu đồng. Với mức thu nhập này, theo chỉ số giá sinh hoạt tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tối thiểu của người lao động. |
Tương tự, Chánh án TAND TP.Vũng Tàu Nguyễn Thanh Sơn cho hay, giai đoạn 2015-2016, TAND TP.Vũng Tàu được biên chế 18 thư ký nghiệp vụ. Đến nay số lượng công việc tăng nhiều nhưng biên chế lại bị tinh giảm từ 18 xuống còn 8 và nhiều năm nay không được bổ sung thư ký. “TAND TP.Vũng Tàu có 26 thẩm phán và 8 thư ký. Tuy nhiên, hiện 2 thư ký đi học nên thực chất còn 6 người làm việc”, ông Sơn thông tin.
Theo đánh giá của Chánh án TAND TP.Vũng Tàu, công việc của thư ký tòa rất áp lực, ngoài công tác chuyên môn còn phải kiêm thêm nhiều công việc khác tại cơ quan. Mặc dù nỗ lực sắp xếp, phân bổ thời gian làm việc, thậm chí phải làm đêm, làm thêm thứ Bảy, Chủ nhật nhưng không hết việc. Dẫn đến việc dễ phát sinh sai sót, nhất là chồng chéo lịch làm việc giữa các thẩm phán, thư ký với nhau.
“Mỗi năm TAND TP.Vũng Tàu thụ lý khoảng 2.500 vụ, việc. Một thư ký phải xử lý từ 650-700 hồ sơ/năm. Hầu hết các thẩm phán phải kiêm thêm công việc của thư ký nên ít nhiều ảnh hưởng tới thời gian nghiên cứu giải quyết án”, ông Sơn nói thêm.
Theo chỉ tiêu TAND TP.Vũng Tàu còn thiếu 4 thư ký nhưng nguồn tuyển dụng chậm. Nhiều thư ký làm việc 12-14 năm, đủ điều kiện đi học thi lên thẩm phán nhưng chưa có “suất”, không có chỉ tiêu thẩm phán nên phải chờ. “Công việc vất vả, áp lực trong khi thu nhập không tương xứng, thậm chí cơ hội thăng tiến chậm khiến các thư ký tòa cũng tâm tư”, ông Sơn nhìn nhận.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN