Ngăn chặn kịp thời mâu thuẫn tại khu dân cư

Thứ Sáu, 08/09/2023, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua có rất nhiều mâu thuẫn tức thời, bộc phát xảy ra trong đời sống người dân nếu không kịp thời hòa giải, để lâu sẽ khiến chuyện nhỏ thành chuyện lớn có thể dẫn đến những vụ án hình sự. Vì vậy, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở góp phần ngăn chặn tình trạng này xảy ra, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Cán bộ Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống các loại tội phạm cho HS trên địa bàn tỉnh để góp phần ngăn chặn những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.
Cán bộ Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống các loại tội phạm cho HS trên địa bàn tỉnh để góp phần ngăn chặn những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.

Ngăn chuyện nhỏ hóa thành to

Tháng 8/2023, giữa 2 người hàng xóm là anh H.T.K và anh N.V.H (đường 30/4, phường 11,TP.Vũng Tàu) xảy ra mâu thuẫn. Nguyên nhân xuất phát từ việc anh H. đậu xe ô tô chiếm gần hết nửa đường khiến anh K. không thể cho xe ô tô lưu thông vào nhà. Vì vậy, 2 bên xảy ra lời qua tiếng lại. Đỉnh điểm của vụ việc là một người bạn của anh H. dùng tay tát vào mặt vợ anh K. Sau đó, 2 bên gọi thêm một số người đến để giải quyết mâu thuẫn.

Nhận thấy vụ việc có thể nghiêm trọng, nên người dân gọi báo Công an phường 11. Sau khi nhận được thông tin, Công an phường 11 cử cảnh sát khu vực xuống tìm hiểu vụ việc, đồng thời mời các bên lên trụ sở làm việc. Sau khi yêu cầu các bên làm bản tường trình, cán bộ công an phường phân tích có lý, có tình để anh K.và H. nhận ra phải, trái. Sau khi được hòa giải, anh K. và H. đã “bắt tay làm hòa”.

Là thành viên tổ hòa giải tại khu dân cư, ông Nguyễn Ngọc Hà, trú tại KP.5, phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) cho biết, cách đây vài năm, trên địa bàn khu phố xảy ra mâu thuẫn nợ nần giữa người cho vay và người vay. Người vay do không có khả năng trả nợ nên gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo chủ nợ cho vay nặng lãi. Sau khi nhận được đơn, chính quyền địa phương đã gửi về khu phố để tìm hiểu vụ việc và tìm cách hòa giải. “Khi nhận được đơn các hội, đoàn thể khu phố bàn cách giải quyết. Sau khi lắng nghe các bên liên quan trình bày chúng tôi đã phân tích có lý, có tình. Ban đầu, chủ nợ không đồng ý và bắt người vay phải trả cả lãi lẫn gốc. Thế nhưng, chúng tôi kiên trì vận động, hòa giải theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu” nên chủ nợ cuối cùng đồng ý cho người vay trả gốc không tính lãi”, ông Hà chia sẻ.  

Giải quyết vấn đề phát sinh từ cơ sở

Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trong thời gian tới, Đảng ủy Công an tỉnh tiếp tục củng cố, tăng cường lực lượng công an cơ sở vững mạnh, bản lĩnh, đủ sức đảm đương và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, nhất là trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, sẽ tăng cường cho công an xã 8 người, công an phường, thị trấn từ 11-13 người. Đối với địa bàn phức tạp là 18 người, trong đó có cán bộ điều tra, điều tra viên.

Bên cạnh đó, lực lượng công an tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình từ xa, từ sớm, từ khi mới manh nha, hình thành trên các lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trọng điểm để tham mưu với cấp uỷ, chính quyền kịp thời chỉ đạo giải quyết. Song song đó, phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, khủng bố, phá hoại. Rà soát các vụ tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm từ cơ sở, không để trở thành “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự.

Theo ông Phạm Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, Sở Tư pháp thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, bằng các hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thi, phát hành tài liệu; sinh hoạt “Ngày Pháp luật” và lồng ghép trong cuộc họp khu phố khu dân cư... Định kỳ hằng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ chức kiểm tra lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở gắn với kiểm tra công tác tư pháp tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố và một số xã, phường, thị trấn. Sở cũng hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ hòa giải, tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; chuẩn hóa tiêu chuẩn, điều kiện để được công nhận là hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở.

“Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác và tạo điều kiện cho hòa giải viên tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời rà soát, hệ thống hoá các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện thuận tiện cho hoà giải viên hoạt động đem lại hiệu qua cao trong công tác hoà giải ở cơ sở...”- ông Phạm Hồng Phúc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

;
.