Mạnh tay xử lý taxi 'dù'
Ngày 13/7, Công an TP.Vũng Tàu ra quân xử lý, chấn chỉnh tình trạng taxi “dù” hoạt động trên địa bàn làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch và khiến người dân bức xúc.
Lực lượng CSGT-Trật tự Công an TP.Vũng Tàu kiểm tra giấy tờ một tài xế điều khiển xe taxi "dù" trên đường Thùy Vân. |
8 giờ sáng 13/7, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu theo chân Tổ tuần tra Đội CSGT và Trật tự Công an TP.Vũng Tàu xử lý taxi “dù” trên đường Thùy Vân, Hạ Long, Lê Hồng Phong… Trong buổi sáng, lực lượng chức năng phát hiện nhiều xe biển trắng gắn mào (hộp đèn) taxi trên nóc. Một số xe thì gắn mào grab. Tài xế khi thấy lực lượng CSGT liền vội vàng gỡ mào taxi và nhanh chóng cho xe rời đi.
Quá trình kiểm tra, hầu hết xe taxi “dù” không xuất trình được giấy tờ hoạt động theo quy định nên lực lượng chức năng mời người cùng phương tiện về trụ sở làm việc. Tại cơ quan công an, tài xế Nguyễn T.T. (SN 1985, trú tại phường 12, TP.Vũng Tàu) chạy taxi “dù” biển số 72A-495... cho biết, vào thời điểm khách đông, anh cũng kiếm được 400-500 ngàn đồng/ngày. Tài xế này phân bua, việc gắn mào trên nóc xe để mọi người hiểu lầm xe taxi là không đúng, nhưng thi thoảng mới chạy và cam kết không tái phạm.
Tương tự, tài xế Lưu T.H. (SN 1985, trú tại phường 2, TP.Vũng Tàu) điều khiển taxi “dù”’ biển số 72A-646... nói: “Mặc dù xe có gắn logo taxi trên nóc, nhưng tôi không có giấy phép kinh doanh vận tải. Khi bị lực lượng CSGT nhắc nhở, xử lý, tôi sẽ không lập lại lỗi vi phạm này”.
Theo quan sát của phóng viên, giống như taxi, xe taxi “dù” chủ yếu hoạt động đón khách ở các khu vực đông người. Hình thức nhận diện không giống nhau, có xe không gắn mào hay dán tem mác, bề ngoài như xe cá nhân bình thường, biển trắng. Phần lớn xe “dù” vẫn gắn mào lên nóc xe. Khi phát hiện có lực lượng chức năng, lái xe tháo mào xuống bỏ vào xe để tránh bị xử lý. Mục đích gắn mào của xe taxi “dù” này để cho khách hàng dễ nhận biết và lầm tưởng là xe taxi bình thường.
Khoản 7, Điều 28, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt với xe không đăng ký kinh doanh cụ thể như sau: Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng cá nhân kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng xe ô tô nhưng không có giấy phép kinh doanh vận tải; Phạt tiền 14-20 triệu đồng nếu tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng xe ô tô nhưng không có giấy phép kinh doanh vận tải.
Cũng theo quy định, xe kinh doanh phải đổi sang sử dụng biển số nền vàng, nếu không sẽ bị phạt từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải.
|
Do không chịu sự quản lý nên taxi “dù” hoạt động tự do. Hành khách sử dụng dịch vụ này thường phải trả giá cước “vô tội vạ”, cao hơn taxi chính hãng khiến nhiều người bức xúc.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng, cán bộ Đội CSGT và Trật tự-Công an TP.Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, Công an thành phố nhận được phản ánh của một số người dân về tình trạng xe taxi “dù” hoạt động tại khu vực đường Thùy Vân và khu vực Bãi Trước. Thực hiện kế hoạch của Công an thành phố, ngày 13/7, Đội CSGT và Trật tự phối hợp với Cảnh sát Cơ động-Công an tỉnh đồng loạt ra quân xử lý tình trạng xe taxi “dù” trên địa bàn.
Trong buổi sáng ra quân, lực lượng chức năng phát hiện 9 trường hợp taxi “dù”, với những lỗi vi phạm như: không đăng ký kinh doanh vận tải, gắn logo taxi trên nóc sai quy định (một số xe gắn logo grab), xe hợp đồng gắn thêm logo taxi để bắt khách vãng lai dọc đường.
“Buổi sáng, lực lượng chức năng mời các tài xế taxi “dù” cùng phương tiện về trụ sở làm việc, cho viết cam kết không tái phạm; đồng thời, yêu cầu gỡ toàn bộ logo taxi gắn trên nóc xe. Từ chiều 13/7, trong quá trình tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện trường hợp taxi “dù”, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định", Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng nhấn mạnh. Theo Thiếu tá Hưng, taxi “dù” hoạt động tự phát nên việc đậu, đỗ, đón trả khách tùy tiện gây mất trật tự ATGT. Bên cạnh đó, taxi “dù” hoạt động không đăng ký kinh doanh vận tải sẽ gây thiệt thòi cho những hãng taxi kinh doanh hợp pháp trên địa bàn.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN