Tình trạng người dân sử dụng loa di động (loa kẹo kéo) để hát karaoke diễn ra khá phổ biến trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương.
Âm thanh của các loa lưu động với công suất lớn luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Trong ảnh: Người dân ăn nhậu, hát karaoke tại một điểm công cộng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. |
Mâu thuẫn từ karaoke tự phát
Theo khảo sát của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện loại hình giải trí mà nhiều người hay gọi là karaoke "kẹo kéo” trở nên khá phổ biến trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, đặc biệt vào mỗi dịp thôi nôi, đầy tháng, liên hoan hay là một buổi nhậu. Việc này gây không ít phiền toái bởi âm thanh phát ra quá lớn, đặc biệt vào thời điểm nghỉ trưa hay đêm hôm, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây mất đoàn kết ở khu dân cư.
Đơn cử, khoảng 16 giờ 30 phút chiều 9/7, ông Bùi Văn Hiếu (SN 1982) tổ chức nhậu và hát karaoke tại nhà (tổ 8, ấp 1, xã Bàu Lâm). Ông Cao Văn Sơn (SN 1967, nhà đối diện) cho rằng ông Hiếu hát không cho hàng xóm nghỉ ngơi, nên ông Sơn dùng dàn loa karaoke của nhà mình mở âm thanh lớn hướng vào nhà ông Hiếu. Vì vậy, giữa hai bên xảy ra cãi nhau.
Sau đó, hai bên dùng hung khí đánh nhau. Ông Sơn bị ông Hiếu dùng rựa chém vào gáy và đầu dẫn đến bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.
Nhiều người cho rằng, hát để giải trí và sử dụng cường độ âm thanh vừa phải dưới 50 decibel (dB) thì chấp nhận được. Trong khi đó, tiếng hát phát ra từ loa "kẹo kéo" thường có cường độ cao nên ảnh hưởng đến tai, sức khỏe, công việc của người dân. “Người lớn tuổi như tôi rất bức xúc với tình trạng "ô nhiễm tiếng ồn" vì không thể nghỉ ngơi, dễ dẫn đến bệnh tim mạch, tăng huyết áp”, bà Nguyễn Thị Sáu (TT.Phước Bửu) nói.
Loa kẹo kéo rất tiện lợi nhưng sử dụng không đúng nơi, đúng chỗ sẽ gây phiền phức cho những người xung quanh. (Ảnh minh họa) |
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Ông Huỳnh Minh Thích, Trưởng Phòng VH-TT huyện Xuyên Mộc cho biết, để khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và thực hiện Chỉ thị số 08 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động sử dụng thiết bị âm thanh gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Xuyên Mộc yêu cầu cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tôn trọng sự yên tĩnh chung, không gây ồn ào, huyên náo ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi của cộng đồng dân cư xung quanh.
Xung quanh nơi người dân sinh sống có các cơ sở sản xuất, hộ gia đình có những hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn, thì người dân có thể làm đơn khiếu nại đến UBND cấp xã, phường, thị trấn để yêu cầu họ chấm dứt hành vi này. Cùng với đơn khiếu nại, người dân có thể gửi kèm các chứng cứ chứng minh hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn kể trên, có thể là ý kiến của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn hoặc các hộ gia đình sống gần nhà và người gây tiếng ồn để UBND cấp xã có cơ sở giải quyết. Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường) quy định: phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn, tùy mức độ vi phạm. Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Cảnh |
Đồng thời, chấp hành quy định của pháp luật và quy ước, cam kết của khu dân cư về tiếng ồn; kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm độ ồn trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa tại địa bàn, khu dân cư mình quản lý.
"Khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, UBND huyện yêu cầu lãnh đạo chính quyền địa phương cử lực lượng đến kiểm tra và có biện pháp yêu cầu tổ chức, cá nhân dừng ngay các hoạt động làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Đồng thời, giao trưởng ấp, khu phố theo dõi và giám sát, phản ánh kịp thời hoạt động văn hóa gây tiếng ồn, dẫn đến bức xúc trong cộng đồng dân cư", ông Thích chia sẻ và cho biết thêm, nếu hộ gia đình nào vi phạm các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn bức xúc trong nhân dân, huyện sẽ không công nhận gia đình văn hóa.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN