Phân cấp, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm

Thứ Sáu, 16/06/2023, 19:21 [GMT+7]
In bài này
.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 8/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nghị định mới đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trách nhiệm quản lý cho Sở GT-VT các tỉnh, thành phố. Quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng công tác kiểm định.

Nghị định 30 đã đẩy mạnh phân cấp, quy định rõ trách nhiệm của Sở GTVT địa phương  trong việc cấp giấy chứng nhận, thanh tra, kiểm tra, xử lý hoạt động đăng kiểm tại địa phương.
Nghị định 30 đã đẩy mạnh phân cấp, quy định rõ trách nhiệm của Sở GTVT địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận, thanh tra, kiểm tra, xử lý hoạt động đăng kiểm tại địa phương.

Sở GT-VT địa phương có quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận

Theo đó, nội dung Nghị định 30/2023/NĐ-CP (viết tắt NĐ30) đã thể hiện rõ việc phân cấp quản lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát của UBND, Sở GT-VT các tỉnh, thành phố.

Cụ thể, thay vì Cục Đăng kiểm Việt Nam như trước đây, hiện nay Sở GT-VT địa phương sẽ là đơn vị thực hiện cấp, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định. Đồng thời, có trách nhiệm tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới; thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và các quy định của pháp luật liên quan khác trên địa bàn.

Sở GT-VT sẽ thông báo (bằng văn bản hoặc thông qua chương trình phần mềm) kết quả thực hiện các nội dung quy định trên đến Cục Đăng kiểm Việt Nam và công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở GT-VT danh sách các đơn vị đăng kiểm được cấp, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe giới; danh sách đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Sở GTVT.

Để Sở GT-VT thực hiện công tác này, Nghị định đã quy định Cục Đăng kiểm Việt Nam bàn giao hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới (bản sao có xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc bản điện tử) cho Sở GT-VT để lưu trữ, quản lý theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, NĐ30 phân cấp cho địa phương quản lý rõ nét. Theo đó, Sở GT-VT có quyền thực hiện cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới. Đồng thời, có trách nhiệm tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới; thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định điều khoản chuyển tiếp để các Sở GT-VT có thời gian chuẩn bị sau khi được phân cấp, phân quyền. Cụ thể, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, đánh giá duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, hoạt động của đơn vị đăng kiểm khi Sở GT-VT chưa thực hiện được và có văn bản đề nghị. Điều khoản chuyển tiếp phân cấp tới các Sở GT-VT địa phương là phù hợp (trước 01/01/2026) để các địa phương có thời gian chuẩn bị, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

Theo các chuyên gia đánh giá, là cơ quan quản lý hoạt động về GT-VT trên địa bàn, Sở GT-VT nắm rõ quy mô phương tiện, khả năng gia tăng mỗi giai đoạn. Khi một doanh nghiệp muốn mở trung tâm đăng kiểm, Sở GT-VT địa phương sẽ có trách nhiệm rà soát, xem xét việc có cần thiết mở thêm trung tâm đăng kiểm trên địa bàn đó hay không, vị trí đặt trạm có phù hợp không, để đảm bảo các đơn vị đăng kiểm hoạt động ổn định và phát triển. Bên cạnh đó, Sở GT-VT có lực lượng Thanh tra có đủ thẩm quyền để thanh tra, phát hiện tồn tại và có chế tài xử lý kịp thời sẽ quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Thêm chế tài xử lý

Bên cạnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động đăng kiểm về địa phương, NĐ30 cũng siết chặt công tác quản lý hoạt động này, bổ sung thêm quy định tạm đình chỉ 3 tháng đối với trung tâm đăng kiểm và thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên nếu đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định do Bộ GT-VT ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân; từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trái quy định của pháp luật.

Quy định này được bổ sung dựa trên thực tiễn qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và báo chí về việc thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp trung tâm đăng kiểm tự ý ra các yêu cầu làm khó chủ xe như: phải có giấy uỷ quyền nếu không phải chủ xe đưa đi đăng kiểm, từ chối thực hiện dịch vụ lập hồ sơ phương tiện cho xe thuộc diện miễn đăng kiểm lần đầu…

Ngoài ra, NĐ30 cũng bổ sung quy định, khi bị tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, đơn vị đăng kiểm phải thực hiện việc khắc phục các vi phạm nêu trong quyết định tạm đình chỉ và chỉ được hoạt động trở lại khi đã hoàn thành việc khắc phục vi phạm đồng thời thông báo về tình hình hoạt động của đơn vị đến Sở GT-VT và Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm nâng cao ý thức khắc phục vi phạm của các đơn vị.

Các nội dung bổ sung, sửa đổi của NĐ30 quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng công tác kiểm định.

Tại phiên trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP đã đưa nội dung phân quyền cấp phép mở dịch vụ đăng kiểm cho Sở GT-VT các địa phương và siết chặt quy định kiểm soát công tác đăng kiểm. Việc phân quyền này cũng gắn với trách nhiệm cụ thể, nên chắc chắn công tác kiểm soát đăng kiểm sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

 
;
.