Những bãi giữ xe vi phạm trật tự giao thông trở thành nơi nằm chờ thanh lý của hàng ngàn xe vô chủ (chủ sở hữu phương tiện không đến xử lý), gây ra khá nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc sắp xếp, tạm giữ phương tiện vi phạm mới.
Tại kho bãi xe vi phạm của PC08-Công an tỉnh, có hàng trăm xe "vô chủ" nằm chờ thanh lý. |
Hàng ngàn xe vô chủ
Từ năm 2022, kho tạm giữ xe vi phạm của Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an tỉnh luôn trong tình trạng quá tải. Các xe máy tại đây luôn được cán bộ PC08 sắp xếp, di dời để chứa các phương tiện vi phạm khác.
Theo cán bộ PC08, hàng năm, số lượng xe vi phạm bị tạm giữ không quá cao, tuy nhiên qua nhiều năm, các xe vô chủ ngày càng nhiều nên công tác bảo quản, sắp xếp kho bãi vô cùng nan giải. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc tăng cường xử phạt 4 nhóm hành vi vi phạm chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có xử phạt nồng độ cồn, càng khiến bãi xe trở nên quá tải.
Ngày 5/6, có mặt tại bãi giữ xe vi phạm của PC08 nằm tại 189 Bạch Đằng (phường Phước Trung, TP.Bà Rịa), phóng viên ghi nhận hàng trăm xe máy được xếp cả trong lẫn ngoài kho bãi. Cán bộ CSGT cho biết, hiện nay, kho bãi đã quá tải do xe vô chủ quá nhiều. Để bảo quản tốt xe vi phạm, cán bộ quản lý kho bãi phải thường xuyên sắp xếp lại các phương tiện vi phạm. Những xe hết hạn sử dụng hoặc rất lâu không có chủ đến nhận sẽ được dời ra bên ngoài để nhường chỗ cho các xe vi phạm mới.
"Hiện, PC08 đang tạm giữ khoảng 800 xe mô tô, trong đó khoảng 600 xe thuộc diện vô chủ chờ xử lý. Trong khi đó, kho bãi giữ xe vi phạm chỉ có sức chứa tối đa 500 chiếc, điều này gây khó khăn trong việc sắp xếp và quản lý các phương tiện vi phạm mới", vị cán bộ CSGT thông tin thêm.
Ngoài PC08, ở các địa phương đều có bãi tạm giữ xe vi phạm trật tự giao thông. Số lượng xe vô chủ trong toàn tỉnh vì thế có thể lên đến hàng ngàn chiếc.
Trong 6 tháng cuối năm, lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, đặc biệt là xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Như vậy, số phương tiện tạm giữ (xe mô tô) dự báo sẽ tăng, do đó bài toán giải phóng các xe vô chủ cũng đang được PC08 cùng các cơ quan liên quan phối hợp tháo gỡ.
Trung tá Phạm Văn Khánh, Đội trưởng Đội tuyên truyền và xử lý tai nạn giao thông-Phòng CSGT Công an tỉnh
|
Mức phạt cao nên bỏ phương tiện!
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Phạm Văn Khánh, Đội trưởng Đội tuyên truyền và xử lý tai nạn giao thông-Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, có nhiều lý do khiến các xe vi phạm trở thành xe vô chủ, trong đó chủ yếu do mức phạt cao hơn giá trị của xe.
Theo Trung tá Khánh, xe vô chủ hầu hết là xe cũ, xe hết đời hoặc giá trị thấp. Khi chủ phương tiện vi phạm Luật Giao thông và bị lập biên bản xử phạt thì họ bỏ xe thay vì phải đóng phạt. Bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp xe không giấy tờ, xe không rõ nguồn gốc hoặc xe thay đổi số khung, số máy nên chủ phương tiện không đến nhận.
“Gần đây, việc xử phạt nồng độ cồn được lực lượng CSGT toàn tỉnh xử lý rất nghiêm với mức phạt cao. Tổng mức phạt có thể lên đến chục triệu đồng, do đó càng có nhiều trường hợp bỏ xe để né phạt”, Trung tá Khánh nói.
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ thời hạn bị tịch thu và thanh lý tài sản theo quy định. Cụ thể, tại Điều 125 luật này quy định rõ: Nếu xác định được người vi phạm, chủ sở hữu phương tiện, người ra quyết định tạm giữ phương tiện phải thông báo cho họ 2 lần. Trong đó lần thứ nhất trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ; lần thứ hai thông báo cách lần thứ nhất 7 ngày. Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ phương tiện, người ra quyết định tạm giữ phương tiện cũng phải thông báo 2 lần tương tự trên báo, đài trung ương, địa phương nơi tạm giữ phương tiện.
Hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai, nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Do thủ tục kéo dài và áp dụng tuần tự các quy trình từ xác minh, phát thông báo nên khó tránh khỏi việc "dồn toa" lượng xe vô chủ theo từng năm. PC08 cũng cho biết, ngoài lỗi vi phạm nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi khác như: lái xe buông cả hai tay, nằm trên yên xe (núp gió), lạng lách đánh võng, chạy xe một bánh (bốc đầu), tụ tập thành nhóm điều khiển xe quá tốc độ, xe không gắn biển số… thì lực lượng chức năng buộc tạm giữ xe mô tô.
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN