Xử lý nghiêm người vi phạm nồng độ cồn chống đối cảnh sát giao thông

Thứ Hai, 22/05/2023, 19:17 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra nhiều vụ người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn chống đối lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ. Hành vi này thể hiện sự coi thường pháp luật cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Công an TP.Vũng Tàu kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tại đường 2/9.
Công an TP.Vũng Tàu kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tại đường 2/9.

Đã sai còn chống đối

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đất Đỏ  ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Huỳnh Thanh Minh (34 tuổi), Huỳnh Tấn Lộc (36 tuổi, là anh họ của Minh, cùng trú tại TT. Đất Đỏ) để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Theo hồ sơ, khoảng 1 giờ 15 phút ngày 1/5, Huỳnh Thanh Minh điều khiển xe mô tô lưu thông trên QL55. Khi đến đoạn đường thuộc ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, Minh bị tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Do nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, Minh bị tổ tuần tra lập biên bản vi phạm. Sau khi xin lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm không được, Minh liền điện thoại cho anh họ là Huỳnh Tấn Lộc đến.

Ngoài động thái trên, Minh còn giật lại giấy tờ xe, dùng tay đấm vào mặt một cán bộ CSGT và bị khống chế. Thấy vậy, Huỳnh Tấn Lộc lấy dao đe dọa tổ tuần tra, yêu cầu thả Minh ra.

Trước sự manh động này, một cán bộ thuộc tổ tuần tra bắn súng chỉ thiên, yêu cầu Lộc bỏ dao xuống. Sau đó, Lộc cất dao vào túi quần và bị khống chế. Tổ tuần tra bàn giao các đối tượng, tang vật cho Công an xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ giải quyết. Làm việc với cơ quan công an, Huỳnh Thanh Minh và Huỳnh Tấn Lộc thừa nhận toàn bộ hành vi của mình và cho biết vào thời điểm trên do say xỉn, không làm chủ được hành vi dẫn đến vi phạm.

Theo CSGT Công an tỉnh, đa số các vụ chống đối CSGT khi làm nhiệm vụ đều là những người có hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Bởi khi bị xử lý vi phạm sẽ “động chạm” tới lợi ích của người tham gia giao thông như việc họ phải nộp phạt, bị tước giấy phép lái xe, bị tạm giữ phương tiện.

Vì vậy,  quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng CSGT cần được trang bị kiến thức, cách ứng xử và cả nghiệp vụ, võ thuật. Đồng thời phối hợp với CSCĐ, công an cơ sở… để có một lực lượng đủ mạnh, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi nêu trên.

Cần xử lý nghiêm

Theo Trung tá Phan Quốc Việt, Đội trưởng Đội CSGT và Trật tự-Công an TP.Vũng Tàu, trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, một số người say xỉn thường không hợp tác, có thái độ xúc phạm, lăng mạ lực lượng chức năng. Do đó, đối với những trường hợp quá khích, sau nhiều lần được cán bộ chiến sĩ giải thích mà không hợp tác, có hành vi chống đối thì lực lượng CSGT phối hợp với công an địa phương mời về trụ sở làm việc.

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, thời gian tới, lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục thực hiện việc kiểm soát nồng độ cồn nhằm hạn chế TNGT, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”. Công an các địa phương phải có kế hoạch xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn cụ thể đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn, KCN đông công nhân, KDL và chịu trách nhiệm nếu để tình hình TNGT liên quan đến nồng độ cồn diễn biến phức tạp trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ cơ quan CSĐT các cấp củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những người có hành vi chống đối, gây rối, lăng mạ lực lượng thực thi công vụ.

Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Luật Nguyễn Cảnh cho biết, việc người tham gia giao thông sử dụng hoặc không sử dụng rượu, bia, nhưng không chấp hành hiệu lệnh và có hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ có thể bị xử lý hình sự theo Ðiều 123, 134 và Điều 330 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào mức vi phạm nồng độ cồn của người tham gia giao thông để xử lý theo Nghị định 100/2019/NÐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NÐ-CP ngày 28/12/2021) và các quy định khác liên quan.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

;
.