Hướng tới 100% xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thứ Tư, 01/03/2023, 18:48 [GMT+7]
In bài này
.

Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được các địa phương triển khai đồng bộ và sáng tạo với nhiều cách làm hay gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bà Trần Thị Huệ, công chức Tư pháp - hộ tịch TT. Ngãi Giao (huyện Châu Đức) kiểm tra tủ sách pháp luật tại đơn vị.
Bà Trần Thị Huệ, công chức Tư pháp - hộ tịch TT. Ngãi Giao (huyện Châu Đức) kiểm tra tủ sách pháp luật tại đơn vị.

Nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

Thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 25, có hiệu lực từ 1/1/2022) quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gửi các địa phương.

Bà Trần Thị Hà, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Xuyên Mộc cho biết, ngay từ đầu năm, Phòng Tư pháp đã tham mưu xây dựng kế hoạch cho địa phương dựa trên kế hoạch của UBND tỉnh để tập huấn và hướng dẫn cụ thể từng tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật cho cán bộ các xã, thị trấn. Các xã, thị trấn đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ sở thông qua nhiều hình thức, mô hình như liên kết tuyên truyền GDPL về hoà giải cơ sở, tuyên truyền pháp luật qua zalo. Qua đó, các quy định pháp luật được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, thường xuyên. “Đội ngũ công chức của địa phương cũng tâm huyết nhiệt tình triển khai hoàn thành chỉ tiêu giao”, bà Trần Thị Hà nói.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, ở TT.Phước Bửu cho biết, người dân địa phương được tiếp cận pháp luật bằng nhiều cách, từ phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, cổ động trực quan đến tờ rơi tài liệu pháp luật…

Chia sẻ về công tác xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật ở địa phương, bà Trần Thị Huệ, công chức Tư pháp - hộ tịch TT.Ngãi Giao (huyện Châu Đức) cho biết, địa phương căn cứ kế hoạch của huyện để lên kế hoạch, triển khai các văn bản đối với các ngành, khu phố. Bộ phận tư pháp cũng chủ động tham mưu cho lãnh đạo các mô hình hay, hiệu quả như tuyên truyền qua zalo và tuyên truyền lưu động.

“Năm 2023 địa phương đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản triển khai. Địa phương có đặc thù không còn NTM mà là đô thị nên cách làm phải khác. Công tác tuyên truyền qua hệ thống zalo, facebook của các ban, ngành, đoàn thể cũng được đẩy mạnh đã giúp người dân tiếp cận được những nội dung pháp luật nhanh, đúng, đủ nhất”, bà Trần Thị Huệ chia sẻ.

Phấn đấu 100% xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Theo Sở Tư pháp, việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định 25 và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có nhiều chỉ tiêu thay đổi nên công chức được giao nhiệm vụ theo dõi, đánh giá cung cấp hồ sơ, tài liệu kiểm chứng vẫn còn lúng túng khi tham mưu. Ở một số xã, phường, thị trấn, việc thực hiện các tiêu chí về tiếp cận pháp luật chưa bảo đảm, nhất là việc quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, việc thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật chưa chú trọng đến xây dựng các tiêu chí tiếp cận pháp luật... chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Do đó năm 2023, UBND tỉnh đã hướng dẫn và phân công các cơ quan chuyện môn làm đầu mối theo dõi, tham mưu thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các cấp, các ngành quan tâm, triển khai đồng bộ, có giải pháp cụ thể thực hiện kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã tiếp cận pháp luật. Bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân và quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đề xuất giải pháp khắc phục, cải thiện, thực hiện có hiệu quả các tiêu chí, chỉ tiêu và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên cơ sở kết quả đánh giá hàng năm, tập trung trọng tâm vào địa bàn chưa đạt hoặc có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu đạt kết quả thấp. Năm 2023, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tư pháp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức làm công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của các địa phương. Biên soạn, phát hành các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu giải đáp về nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 25 theo hướng trừ điểm đối với địa phương có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ và không đưa vào điều kiện đủ để công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.