Chất lượng ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế

Thứ Sáu, 10/03/2023, 19:57 [GMT+7]
In bài này
.

Từ năm 2020 đến 2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 59/944 bản án hành chính phải thi hành, cao thứ 2 cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy chất lượng ban hành các quyết định hành chính và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng vẫn còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến uy tín, giảm sút niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền.

Một phần khu đất của ông Phan Văn Tro (ngụ TP.Vũng Tàu) bị thu hồi làm đường Phước Hải-Lộc An (giai đoạn 2) vẫn chưa được đền bù.
Một phần khu đất của ông Phan Văn Tro (ngụ TP.Vũng Tàu) bị thu hồi làm đường Phước Hải-Lộc An (giai đoạn 2) vẫn chưa được đền bù.

Nhiều quyết định hành chính bị tòa tuyên hủy

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh vừa có báo kết quả giám sát “Tình hình triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh”, giai đoạn từ 1/7/2016 đến 31/7/2022.

Theo báo cáo của UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, từ ngày 1/7/2016 đến 31/7/2022, tổng số quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) của Chủ tịch UBND, UBND cấp tỉnh và cấp huyện bị khiếu kiện là 1.101. Số lượng QĐHC trái pháp luật bị tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ là 195/307.209 QĐHC đã ban hành, chiếm tỉ lệ 0,063%. 28 HVHC bị tòa án tuyên bố trái luật.

Hầu hết các QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND cấp tỉnh và cấp huyện bị khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng như việc cấp Giấy CNQSDĐ và tài sản khác gắn liền với đất; Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn; Xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng; Quản lý, xác định ranh giới đất rừng trên thực địa. Cụ thể như tại TP. Vũng Tàu, nhiều trường hợp người dân chưa được cấp Giấy CNQSDĐ do chưa xác định được ranh mốc thực địa theo Quyết định số 6271/QĐ-UBND ngày 5/8/2002 của UBND tỉnh về việc giao rừng và đất lâm nghiệp nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp cho UBND TP. Vũng Tàu quản lý, sử dụng đã dẫn đến việc khởi kiện ra tòa...

Theo Đoàn giám sát, nguyên nhân các QĐHC bị tòa tuyên hủy và các HVHC bị tòa tuyên là trái pháp luật thời gian qua là do nhiều yếu tố lịch sử về đất đai qua các thời kỳ. Cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý đất đai không có sự ổn định lâu dài. Còn nhiều bất cập, chưa sát và phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương, chưa có sự đồng bộ, thống nhất, còn chồng chéo với các quy định pháp luật khác có liên quan và cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, thay thế dẫn đến việc áp dụng pháp luật để giải quyết gặp nhiều khó khăn, thiếu sót.

Ngoài ra còn do việc quản lý đất đai tại địa phương còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, việc xử lý vi phạm hành chính chưa được quan tâm để người dân lấn chiếm, kê khai đăng ký sử dụng ổn định. Công tác bồi thường, thu hồi đất, việc khảo sát giá đất cụ thể để áp giá bồi thường chưa sát với giá thị trường. Thời gian phê duyệt giá đất cụ thể cách xa thời gian ban hành quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường dẫn đến các quyết định bồi thường, hỗ trợ của nhà nước khi thu hồi đất không còn phù hợp với thực tế. Việc quản lý và xác định ranh giới đất rừng chưa chặt chẽ dẫn đến khó khăn trong việc cấp Giấy CNQSDĐ và tính toán bồi thường cho người dân.

Chậm THA khiến người dân tiếp tục khiếu kiện

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, hiện vẫn còn 32 bản án chưa được thi hành xong, trong đó có 3 bản án còn tồn đọng trước ngày 01/10/2016, 16 bản án có quyết định buộc THA của TAND, điều này đã vi phạm về thời hạn quy định tại Điều 12 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và một số trường hợp do kéo dài THA đã gây thiệt hại ngân sách ngày càng lớn khi giá đất tăng cao và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện.

Đoàn giám sát cũng chỉ ra nguyên nhân chậm thi hành các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính là do một số trường hợp cần xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan cấp trên hoặc cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, đơn vị để thực hiện. Bản án, quyết định hành chính tuyên chưa rõ, nội dung còn chung chung, không khả thi trên thực tế nên UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố phải có văn bản đề nghị giải thích bản án.

Các vụ án hành chính phải thi hành chủ yếu liên quan đến đất đai, đặc biệt là liên quan đến công tác bồi thường, thu hồi đất phải tiến hành khảo sát giá đất cụ thể, xác định ranh giới, diện tích thực tế để làm căn cứ phê duyệt phương án bồi thường… thường qua nhiều giai đoạn, nhiều thủ tục, mất rất nhiều thời gian nên việc THA chưa đảm bảo thời hạn theo quy định. Nội dung phán quyết của Tòa án cấp cao không nhất quán khi xét xử các bản án hành chính có tình tiết vụ việc giống nhau, gây lúng túng, khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm thi hành bản án, dẫn đến thời gian thi hành bị kéo dài. Một số trường hợp chưa bố trí được nguồn kinh phí bổ sung để bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo nội dung của bản án do các dự án đã hoàn thành việc quyết toán.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét, kiến nghị UBND tỉnh tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác THA HC. Chủ động kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác THA HC đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn như về thời hạn tự nguyện THA hoặc các nội dung khác còn bất cập. Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, xử phạt vi phạm hành chính. Chỉ đạo Sở TN-MT và Sở NN&PTNT thống nhất trong việc đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới đất rừng, cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời chấn chỉnh việc ban hành QĐHC và thực hiện các HVHC chưa đảm bảo chất lượng trong thời gian qua, có giải pháp hữu hiệu để khắc phục, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, hạn chế dần các trường hợp QĐHC, HVHC bị khiếu kiện và bị tòa tuyên hủy, sửa hoặc tuyên trái pháp luật. Kiến nghị thẩm phán các cấp toà khi tuyên án hành chính phải đảm bảo rõ ràng, cụ thể về nội dung, phạm vi, nhiệm vụ buộc phải thi hành. Cục THADS tỉnh tăng cường kiến nghị thi hành và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật về THA HC.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.