CẢNH BÁO TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM

Bài 2: Tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra, vì sao?

Chủ Nhật, 26/03/2023, 17:45 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Dù chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý hồ thuỷ lợi có nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra và cắm bảng cảnh báo nhưng các vụ đuối nước vẫn liên tiếp xảy ra thời gian gần đây. Vậy nguyên nhân do đâu?

Biển cảnh báo cắm dày đặc ở hồ Kim Long (huyện Châu Đức).
Biển cảnh báo cắm dày đặc ở hồ Kim Long (huyện Châu Đức).

Khó kiểm soát người ra vào hồ

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi - Sở NN-PTNT cho biết, hiện trung tâm quản lý, vận hành 17 công trình hồ chứa nước. Tại các hồ chứa, đơn vị đã thực hiện cắm các biển cảnh báo cũng như tuyên truyền, vận động người dân không bơi lội, đánh bắt cá và xả thải xuống hồ. “Dù đã làm nhưng một số người dân vẫn tới đây chơi, thậm chí còn nhổ, phá hư hỏng biển. Bảng cảnh báo bị mất liên tục, chúng tôi lại phải cắm bảng mới”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, công trình các hồ rộng, thuộc địa bàn của nhiều xã, huyện và có nhiều lối mòn đi xuống hồ nên rất khó kiểm soát. “Lực lượng quản lý hồ mỏng, cấm chỗ này họ lại đi đường khác để xuống hồ vui chơi. Nhắc nhở các em nhỏ còn dễ, chứ gặp trường hợp người lớn hoặc nhóm ăn nhậu khi bị nhắc nhở thì cãi cự khiến lực lượng quản lý hồ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hiếu chia sẻ.

Trong cuộc họp thảo luận Tổ Đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Xuyên Mộc năm 2022, ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho rằng, tình trạng đuối nước trên địa bàn là đáng báo động (2 vụ/6 cháu tử vong). Dù các ban, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tuyên truyền nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả.

“Tai nạn đuối nước là sự việc đau lòng và việc phòng ngừa là trách nhiệm chung của gia đình và xã hội. Hằng năm địa phương cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động chủ hồ bơi giảm giá, tập huấn thầy cô đi dạy bơi”.

Trước tình trạng tai nạn đuối nước có chiều hướng gia tăng, Sở LĐ-TBXH cũng đã khảo sát, kiểm tra các điểm nóng, lắp gần 600 biển báo nguy hiểm tại nơi tiềm ẩn đuối nước như công trình xây dựng, ao hồ trên toàn tỉnh. Sở cũng cùng các ngành, địa phương triển khai 38 mô hình bơi an toàn, tổ chức dạy bơi miễn phí cho hơn 1.400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện dạy bơi cho hơn 10.000 học sinh.

Nhiều nguyên nhân xảy ra tai nạn

Là địa phương xảy ra nhiều vụ đuối nước khiến một số HS gặp nạn, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho rằng, việc cảnh báo, tuyên truyền, giáo dục đã được địa phương thực hiện rất nhiều. Tuy nhiên, một số cháu và gia đình vẫn còn chủ quan trong việc phòng, chống đuối nước.

Hồ mỏ đá thuộc phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa) cũng xảy ra vụ đuối nước dù đã đặt bảng cảnh báo.
Hồ mỏ đá thuộc phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa) cũng xảy ra vụ đuối nước dù đã đặt bảng cảnh báo.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Đình Biên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) cho biết, vào thứ 2 hằng tuần, nhà trường đều tuyên truyền về các nội dung như: bảo đảm ATGT; phòng, chống ma tuý, bạo lực học đường, tai nạn đuối nước. Trong các giờ sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm cũng có tuyên truyền, giáo dục các em. Trường còn thường xuyên phối hợp với nhiều đơn vị chuyên môn để tuyên truyền, dạy các em các kỹ năng.

“Một số tình huống nằm ngoài kiểm soát của nhà trường vì các em về nhà rồi lại trốn gia đình đi chơi, tắm ao hồ. Một số em học sinh biết bơi nhưng chủ quan nên xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Biên nói

Bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em đuối nước, trong đó công tác truyền thông, giáo dục chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi ứng xử của các em. Cùng với đó là tâm lý lứa tuổi hiếu động, việc chấp hành các quy định an toàn của các em chưa triệt để dẫn đến thiếu hụt kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân.

Ngoài ra, các cấp chính quyền, ban, ngành đoàn thể ở cơ sở thực hiện các giải pháp còn thiếu đồng bộ. Một số gia đình còn khó khăn, tập trung lo kinh tế dẫn đến lơ là quản lý con cái. Giữa nhà trường và các cơ quan tổ chức cũng thiếu sự phối hợp và thiếu quản lý trong thời gian các em nghỉ học.

“Con cái là tài sản vô giá của cha mẹ. Nhiều gia đình bố mẹ mãi lo làm ăn mà quên quản lý con cái, khi xảy ra sự việc đau lòng phải hối hận cả đời”, bà Vân Anh chia sẻ.

Báo cáo số 3205 ngày 16/8/2022 của Sở LĐ-TBXH về tình hình kiểm tra khảo sát các địa điểm nguy cơ đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh đánh giá hầu hết các địa phương, đơn vị đã cắm các biển cảnh báo tại địa điểm có nguy cơ đuối nước nhưng số lượng còn quá ít, kích thước bảng còn nhỏ, cắm tạm bợ, sơ sài, dễ bị phá hỏng, lấy cắp, một số nơi biển báo bị che khuất khó nhìn thấy.
Nhiều hồ nước, mương nước có diện tích rộng, có nhiều lối đi dân sinh có thể đi xuống hồ gây khó khăn cho công tác quản lý người dân, trẻ em xuống hồ. Các công trình đang khai thác và sau khai thác khoáng sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước trẻ em, trong khi việc quản lý công trình chưa được các công ty quan tâm đúng mức, đặc biệt là những công trình đã dừng khai thác không bố trí bảo vệ trông coi.
Công tác tuần tra giám sát tại các hồ thủy lợi, công trình khai thác khoảng sản (cát, mỏ sét) còn chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục. Một số địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, thiếu kiểm tra giám sát thường xuyên.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN - TRẦN TIẾN

;
.