Vì sao vẫn chưa thi hành bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật?

Thứ Tư, 28/09/2022, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Bản án của TAND cấp cao có hiệu lực pháp luật từ tháng 1/2021, nhưng sau hơn 1 năm với nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại, ông Phan Văn Tro (SN 1963, ngụ TP.Vũng Tàu) vẫn gian nan đi yêu cầu thi hành bản án, bồi thường diện tích đất bị thu hồi.

Một phần khu đất của ông Phan Văn Tro bị thu hồi làm đường Phước Hải - Lộc An (giai đoạn 2).
Một phần khu đất của ông Phan Văn Tro bị thu hồi làm đường Phước Hải - Lộc An (giai đoạn 2).

Thắng kiện nhưng chưa được đền bù

Phản ánh tới Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Phan Văn Tro cho biết, năm 2005, ông Tro được ông Dương Văn Nghiệp (ngụ Đất Đỏ) chuyển nhượng bằng giấy tay khoảng 9.000m2 đất tại thửa 226, tờ bản đồ số 4, ấp Lộc An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, nguồn gốc đất khai phá từ năm 1977.

Năm 2010, ông Tro mua nhà và đất của bà Nguyễn Thị Nguyệt sát bên cạnh với diện tích 600m2. Sau đó, ông Tro làm đơn xin trồng cây trên phần đất trống của nhà nước giáp phần đất bà Nguyệt để ngăn gió biển nhưng không được chính quyền chấp nhận. “Sau này, UBND huyện Đất Đỏ dựa vào đơn này cho rằng tôi xác nhận xin trồng cây trên đất của nhà nước, để từ đó cho rằng phần đất mà tôi chuyển nhượng từ ông Nghiệp là đất nhà nước”, ông Tro nói.

Ngày 31/3/2017, UBND huyện Đất Đỏ ban hành Quyết định số 443/QĐ-UBND về việc thu hồi gần 1.150m2 đất tại thị trấn Phước Hải của ông Tro để đầu tư xây dựng dự án: Tuyến đường Phước Hải - Lộc An (giai đoạn 2). Cùng ngày, UBND huyện Đất Đỏ ban hành Quyết định 463/QĐ-UBND (quyết định 463) về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ. Theo đó, ông Tro không được bồi thường, hỗ trợ về đất và công trình xây dựng do đất của nhà nước quản lý.

Không đồng tình, ông Tro đã khởi kiện yêu cầu huỷ Quyết định 463 và yêu cầu UBND huyện Đất Đỏ bồi thường đối với diện tích gần 1.150m2 và toàn bộ tài sản, vật kiến trúc trên đất, vì diện tích đất này nằm trong diện tích 9.000m2 đã nhận chuyển nhượng từ ông Nghiệp.

Bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh đã bác đơn khởi kiện nên ông Tro tiếp tục kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên xử chấp nhận kháng cáo của ông Tro, yêu cầu hủy Quyết định 463 và hủy quyết định của Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ về việc giải quyết khiếu nại của ông Tro.

Tuy nhiên sau đó, UBND huyện Đất Đỏ lại ban hành Quyết định số 3394/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho vợ chồng ông Tro với diện tích thu hồi  gần 1.150m2 và tài sản trên đất với giá trị không đồng (giống nội dung quyết định 463 đã bị TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên huỷ bỏ). Ông Tro tiếp tục khởi kiện yêu cầu huỷ Quyết định 3394.

TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử, theo bản án phúc thẩm số 681/2020/HC-PT ngày 4/11/2020 TP.Hồ Chí Minh tuyên hủy Quyết định 3394 của UBND huyện Đất Đỏ, buộc bồi thường hỗ trợ phần đất và tài sản bị thu hồi của ông Tro theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 5/01/2021, Chánh án TAND tỉnh cũng đã có Quyết định số 02/2021/QĐ-THA buộc thi hành án (THA) bản án của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh.

“Từ đó đến nay đã hơn 1 năm nhưng bản án vẫn chưa được thi hành. Cục Thi hành án tỉnh cho rằng cần đợi kết quả kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao đối với bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, ngày 4/4/2022, Viện KSND Tối cao cũng đã có thông báo trả lời không có căn cứ kháng nghị bản án theo trình tự giám đốc thẩm, vì vậy lý do trì hoãn THA không còn”, ông Tro nói.

Đang triển khai thủ tục thi hành án

Theo ông Phạm Văn Thành, người được ông Tro ủy quyền trong các đợt tiếp công dân, ông đã nhiều lần làm việc với UBND huyện Đất Đỏ yêu cầu thi hành bản án của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh về việc đền bù bồi thường khu đất và tài sản bị thu hồi của ông Tro. “Từ đầu năm 2022 đến nay, qua 4 lần tiếp công dân nhưng vụ việc vẫn chưa giải quyết. UBND huyện Đất Đỏ lúc thì ghi nhận, giao các phòng chức năng xem xét trả lời đơn, lúc thì báo phải xin chủ trương của tỉnh mà không trả lời rõ ràng vì sao vụ việc khó giải quyết”, ông Thành bức xúc.

Theo báo cáo của UBND huyện Đất Đỏ, lý do chưa THA xong là bởi sau khi nhận được bản án, nhận thấy có những điểm chưa phù hợp với thực tế, UBND huyện đã có công văn về việc đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngày 14/4/2022, Viện KSND Tối cao có thông báo về việc không kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh theo đề nghị của UBND huyện Đất Đỏ. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu THA bản án. Đồng thời rà soát lại nội dung tài liệu, tình tiết mới đề xuất kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án của TAND cấp cao.

Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 71/2016/NĐ-CP thì cá nhân cơ quan, tổ chức phải: “Chấp hành nghiêm bản án, quyết định của tòa án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Cũng theo Điều 7 của Nghị định trên về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án: Tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu;  Xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án;  Xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị trong thời hạn 5 ngày làm việc.
Cụ thể, trong trường hợp của ông Phan Văn Tro đã có Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật nên các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm thi hành án, chi trả bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Chất vấn về vụ việc này tại buổi giám sát công tác THA hành chính ngày 27/9, bà Phạm Thị Tuyết Trinh, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt vấn đề: Viện KSND Tối cao đã có thông báo kháng nghị không chấp nhận giám đốc thẩm từ tháng 4/2022. Sau 5 tháng, UBND huyện Đất Đỏ đã có động thái gì để thi hành bản án này? Báo cáo của UBND huyện viện dẫn lý do đang xem xét và có thể kháng nghị tái thẩm. Vậy kháng nghị tái thẩm sao không làm ngay mà để tận 5 tháng vẫn còn đang xem xét?. “Bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật thì phải thi hành, tránh trường hợp công dân phản ánh, khiếu nại, tránh án hành chính tồn đọng, kéo dài”, bà Trinh nhấn mạnh.

Giải đáp nội dung này, ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, để thi hành bản án này liên quan đến thủ tục của một dự án đã đưa vào sử dụng. Thủ tục dự án thì phải lập danh mục trình HĐND phê duyệt, bố trí vốn và kiểm kê đền bù. Do dự án đã hoàn thành từ năm 2017 và đã đưa vào sử dụng, đã quyết toán nên để có kinh phí đền bù phải lập thủ tục theo một dự án mới với quy trình lại như từ đầu, nên cần có thời gian. Sau khi nhận thông báo của Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hành chính phúc thẩm số 681/2020/HC-PT của TAND cấp cao tại TP.Hồ  Chí Minh, huyện cũng đã giao các cơ quan tham mưu triển khai các thủ tục để thi hành bản án.

THÀNH HUY - MẠNH QUÂN

;
.