Ban Pháp chế - HĐND tỉnh vừa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kết quả giám sát “Việc chấp hành pháp luật trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh”, giai đoạn từ tháng 2/2013 đến 12/2021. Qua đó cho thấy, tỷ lệ tài sản thu hồi còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Ban Pháp chế - HĐND tỉnh giám sát “Việc chấp hành pháp luật trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” tại Viện KSND tỉnh. |
Điều tra, xét xử nhiều vụ tham nhũng, kinh tế
Theo báo cáo, qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC), Thanh tra tỉnh phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 9 vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham nhũng, kinh tế (TN, KT). Trong đó có 8 vụ việc Cơ quan CSĐT ban hành quyết định không khởi tố vụ án. Khởi tố 1 vụ “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty CP Du lịch tỉnh. Thanh tra cấp huyện phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu phạm tội TN, KT.
Trong giai đoạn điều tra của Công an và truy tố của Viện KSND, ở cấp tỉnh cơ quan công an đã khởi tố, điều tra 65 vụ án về TN, KT và truy tố 34 vụ. Số tiền kiến nghị thu hồi trong giai đoạn điều tra hơn 124 tỷ đồng. Số tài sản thu hồi hơn 11 tỷ đồng, đạt 8,98%. Ở cấp huyện, cơ quan công an đã khởi tố, điều tra 47 vụ án về TN, KT và đã truy tố 42 vụ. Số tiền khiến nghị thu hồi trong giai đoạn điều tra hơn 102 tỷ đồng. Số tài sản thu hồi được hơn 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, đã thu giữ, thu hồi 820m2 đất. Thực hiện kê biên các tài sản như: 92 thửa đất, 2 xe ô tô, phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng của các bị can.
Qua công tác xét xử, TAND cấp tỉnh đã thụ lý, xét xử và tuyên án về các tội thuộc nhóm TN, KT 10 vụ. Số tài sản tuyên thu hồi hơn 5,5 tỷ đồng, tuy nhiên trong giai đoạn xét xử đã thu hồi hơn 4,4 tỷ đồng, đạt gần 80%. Số tài sản chưa thu hồi chuyển Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục thu hồi hơn 1,1 tỷ đồng. Ở cấp huyện, TAND đã thụ lý, xét xử 38 vụ. Số tài sản tuyên thu hồi gần 5 tỷ đồng, số tài sản thu hồi trong giai đoạn xét xử gần 600 triệu đồng, đạt 11,61%. Số tài sản chuyển Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục thu hồi hơn 4,3 tỷ đồng.
Đối với cơ quan thi hành án dân sự, phải thi hành các bản án hình sự về TN, KT theo bản án của TAND tỉnh là 12 vụ và hơn 6 tỷ đồng. Số tài sản thu hồi trong giai đoạn thi hành án hơn 5 tỷ đồng, đạt hơn 85%. Ở cấp huyện phải thi hành 45 việc với số tiền gần 3,8 tỷ đồng. Số tài sản đã thu hồi trong giai đoạn thi hành án hơn 1,2 tỷ đồng, đạt hơn 32%.
Theo đánh giá của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh, ngay từ giai đoạn điều tra, cơ quan CSĐT thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, nghiệp vụ, chủ động phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý để kịp thời xử lý. Tích cực trong truy tìm tài sản phạm tội, thực hiện các biện pháp thu giữ, kê biên và phong toả tài sản trong quá trình điều tra. Ngành kiểm sát đã tập trung chỉ đạo công tác kiểm sát thi hành án dân sự đối với việc thu hồi tài sản, ngành toà án tập trung quán triệt việc xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cơ quan thi hành án dân sự đẩy mạnh việc thu hồi các tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp
Ngoài những kết quả đạt được, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế và tồn tại. Cụ thể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thanh tra, kiểm tra chưa được chú trọng đúng mức. Hình thức triển khai chưa đa dạng, chưa thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên đề,… Tỷ lệ thu hồi tài sản so với tổng tài sản cần phải thu hồi còn thấp, đặc biệt là ở cấp huyện và giai đoạn điều tra, truy tố. Một số vụ án kéo dài dẫn đến các đối tượng có thời gian tẩu tán tài sản. Có trường hợp giám định kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án và hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án.
Chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan trong việc ngăn chặn giao dịch tài sản nhằm tránh tình trạng các đối tượng tẩu tán tài sản. Một số vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai… chưa có sự thống nhất về quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến vụ án bị giải quyết chậm.
Từ đó, Ban Pháp chế kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan tư pháp cần rà soát quy chế phối hợp đã được ban hành để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định mới và thực tiễn ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành nhiệm vụ, hạn chế việc thiếu nhất quán trong quá trình giải quyết vụ án TN, KT.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án TN, KT, nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Cơ quan tố tụng nâng cao trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ, truy tìm dòng tiền, tài sản của người phạm tội ngay từ khi bắt đầu khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng. Tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra về nghiệp vụ, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tích cực trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về TN, KT. Phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN