Sau những cơn phê thỏa mãn thú vui ảo giác, có người cảm thấy hối hận nên tự nguyện đến Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh để cai nghiện. Tuy nhiên cũng có người đi cai nghiện bắt buộc cả chục lần chưa thể dứt khỏi ma túy.
Các học viên nữ tham gia lao động với những công việc như cắt tỉa cây, nhổ cỏ, quét dọn. |
Đếm không hết số lần đi cai nghiện
Trong khu tăng gia sản xuất của Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là trung tâm cai nghiện), học viên T.V.C (SN 1978, quê Đồng Nai) cùng hàng chục học viên khác miệt mài gia công những tấm lưới để có thêm chi phí sinh hoạt trong thời gian điều trị. Với cán bộ quản lý trong cơ sở, T.V.C được xem là “lão làng” bởi số lần đi cai nghiện dùng hai bàn tay đếm không hết.
Cặp mắt lờ đờ, T.V.C tâm sự rằng bản thân rất nhiều lần bị đưa vào cơ sở vì liên quan đến ma túy. Có “thâm niên” sử dụng ma túy từ năm 1998, T.V.C không mấy vui vẻ khi nhắc đến đủ loại ma túy từng thử, bởi nó khiến bản thân không còn đủ tỉnh táo và nhiều lúc không nhớ mình đã làm gì.
T.V.C tâm sự: “Mấy lần trước bị bắt vào nhưng lần này thấy tinh thần không ổn nên xin vào cơ sở cai nghiện. Ở đây cũng có đứa em chơi ma túy đá mà giờ hỏi gì nó chỉ biết cười ngờ ngệch”.
Tại cơ sở ai nghiện, T.V.C cùng các HV đã hoàn thành thời gian “cắt cơn nghiện” và được bố trí khu vực lao động vào khung giờ hành chính để kiếm thu nhập, bổ sung vào quỹ sinh hoạt của bản thân.
Không “thâm niên” như T.V.C, học viên L.T.H (SN 1979, ngụ TP.Vũng Tàu) chỉ sử dụng ma túy khoảng 1 năm nhưng sớm bừng tỉnh khi được cán bộ công an giải thích.
Sinh hoạt tại khu vực dành cho nữ với 22 hoàn cảnh khác nhau, L.T.H càng thấm thía về tác hại của ma túy cũng như nỗi nhớ cuộc sống bên ngoài. Trò chuyện với chúng tôi, L.T.H cho biết trước đó đã từng có tiền án và phải thụ án 5 năm vì liên quan đến ma túy. Sau thời gian thụ án dài đằng đẵng, nhiều biến cố gia đình khiến L.T.H suy sụp, muốn buông bỏ tất cả rồi dần sa lầy vào ma túy.
Trong thời gian thụ án, cả bố và mẹ đều qua đời, L.T.H cũng vì thế không làm tròn bổn phận làm con với đấng sinh thành lúc họ cuối đời. Hai người con của L.T.H cũng lập gia đình trong quãng thời gian này càng khiến chị buồn tủi, mặc cảm.
“Lúc tôi ra tù chẳng còn gì nữa, buồn lại dính vào ma túy đá. Chơi được khoảng 8 tháng thì cán bộ công an đến vận động đi cai nghiện. Suy nghĩ nhiều lần về tác hại của nó với còn con cái nên mình tự nguyện vô đây cai”, L.T.H buồn bã nói.
Sau 21 ngày cắt cơn gian nan, L.T.H thấy tinh thần thoải mái, không còn “thèm” ảo giác như ngày trước. Tham gia sinh hoạt cùng chị em trong trung tâm, L.T.H càng thấm thía tác hại của ma túy. Đến nay khi chỉ còn vài chục ngày là hoàn tất 15 tháng cai nghiện, chị mong trở về cuộc sống thường ngày, được sống cùng con cái.
“Xong lần này mình bán nhà ở TP.Vũng Tàu rồi dọn qua ở cùng con, trông cháu chứ ở chỗ cũ mình sợ gặp bạn cũ rồi dính nữa. Mình mong các chị em trong đây cũng sớm bỏ được ma túy”, L.T.H bùi ngùi nói.
Đủ thành phần nghiện
Hơn 20 năm gắn bó với cơ sở cai nghiện, ông Nguyễn Công Hoan, cán bộ phụ trách Đội 4, Lớp đan 3 cho biết, ông chứng kiến lần lượt học viên rời đi mà đếm không xuể. Vị cán bộ này tâm sự, mỗi thời điểm, cơ sở tiếp nhận các đợt học viên nghiện những loại ma túy khác nhau nhưng chung quy chỉ xoay quanh ma túy đá và heroin.
Khu vực ông Hoan quản lý là Khu cưỡng chế bắt buộc nên đây cũng là khu vực nhạy cảm với nhiều thành phần bất hảo, khó rèn. Thời gian tiếp xúc, những câu chuyện, nguyên nhân dẫn đến người nghiện ma túy mà ông Hoan nghe được hầu hết từ tác động bên ngoài hoặc yếu tố gia đình. Trong đó, người trẻ dễ nghiện do có phần tác động từ việc thiếu quản lý của gia đình, tụ tập giao du bạn xấu hoặc tính hiếu thắng khi tham gia vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng.
Ông Nguyễn Văn An, chuyên viên Phòng Tư vấn giáo dục của cơ sở cai nghiện cho biết, đơn vị hiện tiếp nhận đủ hoàn cảnh học viên vào cai nghiện, trong đó không ít người ra vào… như cơm bữa. Học viên ở bên ngoài thường sử dụng heroin đến ma túy đá, tem giấy… Sau một thời gian sử dụng, ma túy sẽ phá hủy thân thể người sử dụng, làm thay đổi nhân cách, gây rối loạn tâm sinh lý và dễ sa chân vào con đường tội phạm. Người sử dụng ma túy thời gian dài sẽ khó cai, thậm chí có xu hướng tăng liều lượng sử dụng dẫn đến tình trạng “ngáo đá”. |
Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ HS, SV bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì các em sẽ trở thành công cụ để chúng kiếm tiền, đưa vào con đường trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy...
“Họ có nhiều lý do lắm, gia đình đi làm xa nên thiếu quan tâm. Rồi chơi vài lần thì cứ buồn phiền là nhớ đến nó (ma túy), mà nhớ là tìm mua để sử dụng. Có người tôi gặp đến 7 lần cũng vì chơi ma túy không bỏ được. Ở đây đủ thành phần từ công tử, doanh nhân đến cả bác sĩ và cả người gần 70 tuổi cũng dính ma túy”, ông Hoan nói thêm.
Quản lý các học viên nữ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ quản lý Khu xã hội của trung tâm cai nghiện cho biết, học viên nữ cai nghiện tại cơ sở có địa chỉ cư trú cả trong và ngoài tỉnh. Trong đó, không ít hotgirl vào đây vì vướng đến ma túy.
“Có những em vẻ ngoài rất ưa nhìn vào đây cũng vài lần, mỗi lần vào mình lại thấy nhan sắc thay đổi xuống dốc, sức khoẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhìn mà xót xa”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan tiếc nuối.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN - TIỂU THIÊN