Đấu tranh với "cát tặc" trên khu vực biên giới biển

Chủ Nhật, 24/07/2022, 19:30 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, hoạt động vận chuyển cát nhiễm mặn trái phép bằng đường thủy diễn biến phức tạp trên khu vực biên giới biển. Do đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn nhằm phát hiện, xử lý.

Một phương tiện chất đầy cát nhiễm mặn trái phép trên biển bị lực lượng BĐBP tỉnh phát hiện.
Một phương tiện chất đầy cát nhiễm mặn trái phép trên biển bị lực lượng BĐBP tỉnh phát hiện.

Bắt nhiều phương tiện vận chuyển cát lậu

Thời gian gần đây, hoạt động mua bán, vận chuyển cát trái phép bằng đường thủy lại diễn biến phức tạp. Điều này tác động trực tiếp đến nguồn tài nguyên khoáng sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sạt lở đê kè, đồng thời, đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng và sinh kế lâu dài của người dân địa phương. Do đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, nhất là các vụ việc liên quan đến vận chuyển, mua bán trái phép cát dùng trong xây dựng. Chỉ tính riêng đầu năm 2022 đến nay, BĐBP tỉnh đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 9 phương tiện vận chuyển cát nhiễm mặn không có nguồn gốc hợp pháp trên biển, tịch thu hơn 1.400m3 cát. 

Điển hình như ngày 17/7, trong quá trình tuần tra, tổ công tác Đồn Biên phòng Bến Đá phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm miền Nam, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP và Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh phát hiện và kiểm tra 4 phương tiện vận chuyển cả ngàn m3 cát nhiễm mặn không có chứng từ, gồm: tàu do ông Trương Văn Nghề (trú tại xã Minh Hòa, Kinh Môn, Hải Dương) làm thuyền trưởng vận chuyển khoảng 280m3 cát; tàu do ông Nguyễn Văn Nghĩa (trú tại xã Hiến Thành, Kinh Môn, Hải Dương) làm thuyền trưởng vận chuyển khoảng 270m3 cát; tàu do ông Trần Văn Sơn (trú tại xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) làm thuyền trưởng vận chuyển khoảng 260m3 cát; tàu do ông Nguyễn Văn Nhật (trú tại xã Quang Ninh, Kiến Xương, Thái Bình) làm thuyền trưởng vận chuyển khoảng 260m3 cát.

Tại thời điểm kiểm tra, 4 thuyền trưởng trên không xuất trình được giấy tờ của phương tiện, của thuyền viên hoặc người lái phương tiện và chứng từ liên quan đến số cát nhiễm mặn đang vận chuyển. Lực lượng BĐBP ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ việc.

Tương tự, Hải đoàn 18 Bộ đội Biên phòng (phường 12, TP. Vũng Tàu) cũng là một trong những đơn vị nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biên giới biển, đảo phía Nam, đồng thời là đơn vị đóng vai trò quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn. Qua công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, cùng với sự hướng dẫn của cấp trên, Hải đoàn 18 đã thực hiện nhiều kế hoạch cao điểm trấn áp tội phạm, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chuyên trách, quyết tâm cao nhất để phát hiện, triệt phá tận gốc các vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện, bắt giữ 2 phương tiện với 6 đối tượng vận chuyển cát trái phép, xử phạt hành chính 131,5 triệu đồng.

Tiếp tục các biện pháp ngăn chặn

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều dự án lớn như: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; đường ven biển ĐT 994; tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn từ QL 56 đến vòng xoay đường 3/2 và 2/9; dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ... khiến nhu cầu về vật liệu cát, đá, sỏi rất lớn, đặc biệt là nguồn cát để san lấp mặt bằng lên đến hơn 1,1 triệu m3 cát. Với khả năng cung ứng hiện nay, các dự án trọng điểm nói trên thiếu khoảng 64,5 triệu m3, chủ yếu là thiếu hụt về vật liệu san lấp. Trong khi đó, đa số các điểm mỏ ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã khai thác hết công suất và đang lập thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. Một số khu vực không còn phù hợp sử dụng để khai thác khoáng sản được chấp thuận chuyển đổi công năng và một số địa phương đề xuất loại khỏi quy hoạch khoáng sản. Việc này đã làm giảm các chỉ tiêu về trữ lượng vật liệu san lấp, kèm theo không có đề xuất bổ sung các khu vực, điểm mỏ mới đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh, đặc biệt là vật liệu san lấp.

Nắm bắt được nhu cầu vật liệu san lấp, xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh và lợi nhuận cao nên hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép bằng đường thủy ngày càng gia tăng. Một số đối tượng mua cát không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp từ các tỉnh lân cận, sau đó lén lút cung cấp cho các dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, việc đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, khai thác khoáng sản trái phép nói chung và “cát tặc” nói riêng gặp rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng “cát tặc” khi hoạt động trên biển thường mua chuộc ngư dân khai thác đánh bắt hải sản theo dõi lực lượng chức năng để thông báo và đối phó. Nếu bị phát hiện họ dùng điện thoại, báo cho chủ các phương tiện vi phạm khác bỏ chạy. Một số đối tượng manh động sẵn sàng chống trả, không cho phương tiện của BĐBP tiếp cận kiểm tra, hoặc bơm và xả ngược cát xuống biển, thậm chí nhấn chìm phương tiện nhằm gây khó khăn cho công tác trục vớt, thu giữ tang vật, xử lý các đối tượng vi phạm.

“BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo các Đồn Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hành vi vận chuyển, khai thác cát trái phép, vận động nhân dân tích cực phát hiện, cung cấp thông tin có giá trị giúp lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên các tuyến biên giới biển”, Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết.

Bài, ảnh: MINH NHÂN  

;
.