Giá xăng dầu tăng cao làm gia tăng nạn buôn lậu mặt hàng này qua đường biển. Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn.
Lực lượng chức năng của Vùng CSB 3 phát hiện tàu TG 94456 TS (tỉnh Tiền Giang) vận chuyển khoảng 70 ngàn lít dầu D.O trái phép. |
Nóng trên vùng biển Côn Đảo
BR-VT là cửa ngõ đường thủy của vùng Đông Nam Bộ có lưu lượng tàu, thuyền qua lại rất lớn. Nắm bắt nhu cầu sử dụng xăng dầu của ngư dân để vận chuyển hàng hóa, khai thác hải sản, một số đối tượng lợi dụng sự chênh lệch giá trong nước và các nước lân cận tìm mọi cách vận chuyển trái phép mặt hàng này về Việt Nam bán kiếm lời bất chính. Đặc biệt, vùng biển có bán kính 100 hải lý quanh Côn Đảo luôn là điểm “nóng” buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép.
Trước tình hình đó, từ năm 2021 đến nay, lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã tăng cường nắm tình hình, tuần tra, chốt chặn, mật phục, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện hoạt động trên các tuyến sông, biển. Qua đó, phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép, tịch thu hơn 900 ngàn lít dầu D.O.
Ngày 15/5, trên khu vực biển cách Côn Đảo khoảng 144 hải lý về phía Tây Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam đã phát hiện tàu cá số hiệu TG 91678 (tỉnh Tiền Giang) đang vận chuyển khoảng 100 ngàn lít dầu D.O trái phép. Lực lượng chức năng của CSB Việt Nam đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, đưa tàu về Côn Đảo để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Cũng trên vùng biển này, vào ngày 28/4, lực lượng chức năng của Vùng CSB 3 phát hiện tàu TG 94456 TS (tỉnh Tiền Giang) đang vận chuyển khoảng 70 ngàn lít dầu D.O trái phép. Lực lượng chức năng của Vùng CSB 3 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, đưa tàu về Côn Đảo để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tương tự, từ đầu năm 2021 đến nay, 4 Biên đội của Hải đoàn 18 - Bộ Tư lệnh BĐBP (phường 12, TP. Vũng Tàu) cũng tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực biển được phân công, bắt giữ, xử lý nhiều vụ vận chuyển xăng dầu trái phép, tịch thu gần 200 ngàn lít dầu D.O, nộp ngân sách Nhà nước gần 3 tỷ đồng. BĐBP tỉnh cũng đã đấu tranh, triệt phá nhiều vụ mua bán, vận chuyển xăng dầu trên biển, tịch thu hơn 300 ngàn lít dầu D.O không rõ nguồn gốc.
Hiện nay, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng hơn 20 triệu tấn/năm. Trong khi đó, giá bán xăng dầu lậu trên biển chỉ bằng 2/3 giá bán lẻ trên đất liền, dẫn đến các đối tượng bất chấp vi phạm pháp luật để thực hiện các hành vi buôn lậu xăng dầu trên biển. |
Nhiều tàu chở dầu trái phép "đội lốt" tàu cá
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn ở mức đáng lo ngại, các đối tượng thường sử dụng tàu biển đi nước ngoài để mua xăng lậu rồi vận chuyển về tiêu thụ. Một số ngư dân hành nghề đánh cá trên biển cũng lợi dụng tàu, hầm chứa cá, nước đá để chứa xăng dầu được mua bán, sang mạn trên biển, rồi vận chuyển vào đất liền tiêu thụ...
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3, các đối tượng có nhiều "chiêu trò" như: cho tàu neo đậu ở vùng biển tiếp giáp với Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Malaysia, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, đồng thời lắp đặt thêm trang thiết bị phát hiện tàu từ xa để phục vụ việc mua bán dầu trái phép; lợi dụng đêm tối chuyển tải hàng hóa sang các tàu nhỏ hoặc thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển, khi cảm thấy an toàn mới nhanh chóng vận chuyển qua khu vực sang mạn cho các tàu cá. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng tìm đủ mọi cách để đối phó như: hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn hoặc chuẩn bị sẵn lời khai, hồ sơ tài liệu để hợp thức hóa lô hàng.
Còn theo BĐBP tỉnh, các đối tượng sử dụng sim “rác” để giao dịch, nên khi cơ quan chức năng bắt giữ, việc xác định chủ hàng, chứng minh yếu tố vi phạm pháp luật, xử lý vụ án gặp rất nhiều khó khăn. Việc giao, nhận tiền được thực hiện khá tinh vi, lắt léo trong đất liền và diễn ra nhanh chóng.
Kiên quyết ngăn chặn
Ngày 14/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có công văn yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm trong nội địa và trên các vùng biển. Từ chủ trương đó, các đơn vị BĐBP, CSB đã có nhiều giải pháp và kế hoạch phối hợp chặt chẽ với địa phương trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu.
Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh đã triển khai kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; phối hợp hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển. Riêng điểm "nóng" vùng biển Côn Đảo, Thượng tá Trần Văn Khoái, Trưởng Phòng Pháp luật Vùng CSB 3 cho biết, đơn vị sẽ chủ động, nắm chắc tình hình tập trung đấu tranh các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Bài, ảnh: MINH NHÂN