Nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là dạng nhà ống luôn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường khi có cháy xảy ra. Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại về người và tài sản.
Các đội dân phòng PCCC tại cơ sở tham gia hội thao về PCCC và CNCH. |
Thiệt hại hơn 15 tỷ đồng
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07 - Công an tỉnh), toàn tỉnh có 283.839 nhà ở hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ) và 14.546 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều nhà ở được các gia đình cho thuê hoặc tận dụng nhà ở gắn với sản xuất, kinh doanh tạp hóa, đồ gỗ, quần áo, chăn ga, ăn uống... tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Và thực tế đã có nhiều vụ cháy ra.
Đơn cử, 4 giờ 25 phút sáng 20/1/2022, lực lượng PCCC Công an tỉnh đã dập tắt hoàn toàn vụ cháy xảy ra tại một kho hàng thuê ở 89 Lê Lợi, phường 4, TP.Vũng Tàu, không để xảy ra cháy lan sang các nhà lân cận.
Trước đó, lúc 1 giờ 56 phút cùng ngày, Đội Chữa cháy và CNCH khu vực 2, thuộc PC07 nhận được tin báo cháy tại kho hàng thuê ở số 89 Lê Lợi nên triển khai 1 xe chỉ huy, 5 xe chữa cháy cùng 30 CBCS tới hiện trường dập lửa. Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.Vũng Tàu và Công an phường 4 cũng tới hiện trường tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Kho chứa hàng có diện tích khoảng 140m2, chia làm 7 phòng chứa chủ yếu là đồ gỗ nội thất, nệm, tủ nhựa. Nhận thấy đám cháy phức tạp, lửa đã lan sang 5/7 phòng, lực lượng chức năng xin chi viện thêm 1 xe chữa cháy cùng 10 cán bộ, chiến sĩ từ Đội Công tác chữa cháy và CNCH, PC07 đến tiếp ứng mới có thể dập tắt đám cháy.
Theo thông tin từ PC07, từ 15/4/2021 đến 15/4/2022, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy, tuy không thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước tính hơn 15 tỷ đồng. Nguyên nhân của các vụ cháy phần lớn do sự cố hệ thống, sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn lửa…
Tăng cường PCCC
Để bảo đảm an toàn cho hộ gia đình, nhà ở, khu dân cư, thời gian qua lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh phối hợp ban, ngành, đoàn thể tổ chức hơn 6.000 lượt tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật về PCCC qua hệ thống loa phát thanh gắn trên phương tiện giao thông. Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản do cháy, nổ gây ra.
Bên cạnh đó, các địa phương còn xây dựng nhiều mô hình về PCCC như: mô hình “Cụm dân cư an toàn PCCC” gắn với mô hình “Liên gia tự quản phòng chống tội phạm” trên 17 phường, xã; mô hình “Khu chung cư an toàn PCCC”, mô hình “Kết nối mạng Zalo – Bình yên cho mỗi gia đình”.
Theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 thay thế cho Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC có nêu rõ, hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
- Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.
- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
- Trang bị đủ các loại bình chữa cháy xách tay, phương tiện cứu người phù hợp với đặc điểm hoạt động và tính chất kinh doanh của từng gia đình; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; hàng hóa, vật tư phải sắp xếp, bố trí gọn gàng, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định an toàn về PCCC.
-Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
|
Đại tá Nguyễn Anh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục thực hiện kiểm tra, kết hợp tuyên truyền và hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC và khắc phục những thiếu sót, vi phạm về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị; đồng thời vận động các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD có lồng sắt (chuồng cọp) thực hiện việc tháo dỡ hoặc mở lối thoát nạn thứ hai…
Tiếp tục phối hợp với chính quyền các khu phố, tổ dân phố để lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về PCCC vào các buổi sinh hoạt khu phố, tổ dân phố, qua các trang mạng điện tử hoặc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức những buổi tuyên truyền (vào buổi tối) theo từng lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể, yêu cầu các chủ cơ sở và người dân tham gia.
Thường xuyên huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ, nhất là chú trọng huấn luyện kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ; kỹ năng thoát nạn; kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC, nhất là các phương tiện chữa cháy ban đầu.
“Bên cạnh đó, Công an các phường, xã cũng cần làm tốt công tác tham mưu cho UBND các phường, xã; lập hồ sơ quản lý về PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lý, bảo đảm 100% cơ sở phải có hồ sơ và được quản lý theo quy định; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại các hộ gia đình; lập biên bản chỉ rõ những vi phạm quy định về PCCC và CNCH tại từng hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kết hợp sản xuất, kinh doanh. Kiên quyết đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về PCCC”, Đại tá Nguyễn Anh Hùng nói.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN