Dư luận đang xôn xao về tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa, cầm long đao đặt tại KDL Hồ Mây (TP. Vũng Tàu) giống với hình ảnh Quan Vân Trường, một danh tướng của Trung quốc. Sở VH-TT đang kiểm tra, xác minh, đồng thời sẽ tiến hành thẩm định toàn bộ quá trình vụ việc.
Tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa, cầm long đao đặt tại KDL Hồ Mây (TP. Vũng Tàu). |
Giống hay khác nhau?
Ngày 11/4, trên mạng xã hội facebook lan truyền một bài viết phản ánh về việc KDL Hồ Mây cho dựng bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) giống với quan Vân Trường. Đồng thời, đề nghị “Bộ VH-TT-DL và Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sớm vào cuộc kiểm tra và cho dẹp ngay bức tượng Quan Vân Trường nhưng được ghi là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn”.
Theo phân tích của tác giả bài viết, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không cưỡi ngựa bao giờ mà chỉ cưỡi hắc tượng (voi đen) và không dùng long đao mà dùng kiếm, đồng thời tư thế ngựa phi đưa hai chân lên của bức tượng là chưa phù hợp. Người này còn cho rằng, việc lấy hình ảnh Quan Vân Trường bị tử trận ở Phàn Thành với xích thố lồng lên và thanh long đao gán cho Trần Hưng Đạo là hành động “không chấp nhận được”.
Không thể xây xong rồi, Nhà nước mới vào cuộc
Trước đây, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh từng được UBND tỉnh mời thẩm định và tham gia Hội đồng xem xét, tư vấn, phản biện các công trình tượng đài trên địa bàn tỉnh như: Tượng đài Chiến thắng Bình Giã, Bia Tưởng niệm cầu Cỏ May, Bia Tưởng niệm Đoàn tàu không số, Bia tưởng niệm Trung đoàn 445. Riêng đối với tượng Trần Hưng Đạo tại KDL Hồ Mây, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh chưa được mời tham gia thẩm định công trình này.
Còn đối với việc bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại KDL Hồ Mây giống hay không giống với Quan Vân Trường thì phải nghiên cứu kỹ từ nhiều nguồn tư liệu mới có thể khẳng định. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là trong quản lý Nhà nước về văn hóa, việc xây dựng một tượng đài lịch sử phải lập một hội đồng xem xét, tư vấn, phản biện để đi đến thống nhất và nhất thiết phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép. Do đó, không thể làm xong rồi, Nhà nước mới vào cuộc, đó là quy trình ngược.
(Ông Nguyễn Quang Phi, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh)
Công trình không xin phép cơ quan chức năng
Trên thực tế, những công trình, tác phẩm dạng này phải được thiết kế, thẩm định chặt chẽ, thông qua việc tổ chức hội đồng gồm các nhà điêu khắc kết hợp văn hóa, lịch sử…. Đơn cử như vừa qua có tượng Thánh Gióng ở Bà Rịa, tượng các nhân vật đặt trong di tích lịch sử Côn Đảo đã được tỉnh tổ chức hội đồng thẩm định rất chặt chẽ.
Bức tượng trên có trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KDL Hồ Mây, nhưng trong quy hoạch chỉ ghi là khu vực bố trí tượng doanh nhân (16 tượng), chứ không ghi cụ thể tượng nhân vật nào. Ngoài ra, công trình xây dựng này không xin phép cơ quan chức năng.
(Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng)
|
Sau hơn 3 ngày đăng tải lên mạng xã hội facebook, bài viết đã thu hút rất nhiều lượt xem, bình luận, trong đó có nhiều ý kiến đề nghị Sở VH-TT cần xem xét, chấn chỉnh điều này.
Ngày 13/4, trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về vấn đề trên, ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc KDL Hồ Mây Park cho biết, tháng 4/2018, Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu ký hợp đồng với một nhóm nghệ nhân tỉnh Quảng Nam để xây dựng các tượng đặt tại Khu Văn hóa lịch sử ngay trong KDL Hồ Mây, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KDL Hồ Mây Park Vũng Tàu, trong đó có công trình tượng Trần Hưng Đạo cao 3m bằng bê tông, sơn phủ đồng.
Ông Đậu Thế Anh khẳng định, trước khi xây dựng tượng này, công ty đã tham khảo tư liệu trên internet về đặc điểm ngoại hình của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn như râu, màu da... để mô phỏng gương mặt. Ngoài ra, một số tài liệu có ghi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa, bắn cung, dùng đao, kiếm đều thành thạo nên công ty và nhóm nghệ nhân quyết định thực hiện công trình tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa, dùng đao.
Cũng theo ông Đậu Thế Anh, đến nay vẫn không có sử liệu nào khẳng định Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ cưỡi voi đen mà không cưỡi ngựa. Chưa kể hình tượng Quan Vân Trường được văn hóa dân gian Trung Quốc mô tả mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày ngài, râu dài 2 thước, tướng mạo phi thường, oai phong lẫm liệt…, trong khi sắc mặt được phác họa trên tượng Trần Hưng Đạo có khuôn mặt trắng, râu tóc gọn gàng, hoàn toàn không giống với mô phỏng về Quan Vân Trường.
Sẽ thẩm định
Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội và ý kiến nhiều người cho rằng, tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giống Quan Vân Trường, Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Đình Trung cho biết, ngày 13/4, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành xác minh việc dựng, đặt tượng tại KDL Hồ Mây.
Qua kiểm tra thực tế ban đầu và làm việc với Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu (chủ đầu tư công trình trên), đồng thời đối chiếu tượng các bức ảnh trên website, Đoàn bước đầu thấy có sự khác biệt giữa tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Quan Vân Trường. Các chi tiết như: gươm, thanh long đao, hình dáng ngựa và bộ áo giáp cũng đã được nhóm nghệ nhân trình bày chi tiết trong bản thuyết minh và dựa trên các dữ liệu trên các trang mạng để sáng tác.
Tuy nhiên, dù công trình tượng Trần Hưng Đạo nằm trong Khu Văn hóa lịch sử ngay trong KDL Hồ Mây đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 12/4/2018, song Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu vẫn chưa làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép xây dựng tượng đài; chưa thành lập Hội đồng nghệ thuật tượng đài và chưa cung cấp được bản vẽ thiết kế, bản thuyết trình thiết kế của tượng đài.
“Chúng tôi đã yêu cầu Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu gấp rút rà soát, gửi các hồ sơ có liên quan đến nhóm tác giả thực hiện các công trình; bản vẻ chi tiết; bản thuyết minh của nhóm tác giả đối với các bức tượng, hợp đồng thi công... Từ đó, chúng tôi sẽ đánh giá, làm rõ tính lịch sử, tính nguyên bản của các công trình tượng để làm cơ sở xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Đình Trung thông tin.
Bài, ảnh: MINH NHÂN