Vì có nhu cầu vay vốn để mua xe cũ phục vụ việc đi làm, thiếu nữ Đ. đã trót tin lời của nhóm lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để rồi… tiền mất tật mang.
Em Lê Đặng Hoàng Đ. (SN 2005) bị lừa đảo hơn 46,5 triệu đồng |
Mất gần 50 triệu đồng cho khoản vay 20 triệu đồng
Trên các hội nhóm facebook, hàng loạt tài khoản mời chào, lôi kéo vay vốn với lãi suất thấp, hoặc thậm chí bằng lãi suất ngân hàng nhưng chỉ cần CMND và vài thông tin cá nhân cơ bản. Mục tiêu của những nhóm lừa đảo này nhắm đến là những người không hiểu biết về kiến thức pháp luật, nhẹ dạ, cả tin. Khi đã sập bẫy, nhóm lừa đảo tung hàng loạt chiêu trò để “vòi tiền” để rồi khi nạn nhân biết mình đã bị lừa thì đã mất vài chục triệu đồng.
Đó là trường hợp của em Lê Đặng Hoàng Đ. (SN 2005, ngụ tại TX. Phú Mỹ). Trong tâm trạng lo lắng khi bị lừa tiền, em Đ. đã gửi đơn tố cáo đến báo Bà Rịa - Vũng Tàu về việc bị một nhóm có tổ chức, lừa đảo hơn 46 triệu đồng chỉ trong vài ngày.
Qua trao đổi, em Đ. cho biết ngày 28/3 vừa qua, vì muốn có một chiếc xe máy cũ để đi làm nên Đ. tìm kiếm thông tin mua xe cũ trên facebook. Tại đây, một tài khoản Fb tên Nguyễn Lam Tiên tiếp cận tư vấn hỗ trợ vay vốn với lãi suất được quảng cáo là “cực thấp, chỉ 0,8% và rẻ hơn khi vay ngân hàng” và khuyên Đ. đừng tin mấy đứa lừa đảo.
Hồ sơ vay vốn giả mà nhóm lừa đảo gửi cho em Đ. |
Là thiếu nữ 17 tuổi vừa bước ra đời, Đ. đã gật đầu đồng ý vay 20 triệu đồng để mua phương tiện đi làm. Nhóm này tiếp tục liên lạc qua zalo và lấy vài thông tin cá nhân cơ bản để làm hồ sơ. Theo lời kể của Đ., nhóm này tự xưng là nhân viên của một ngân hàng có chi nhánh tại TP. Thủ Đức (TP. HCM) và gửi một hồ sơ qua zalo với khoản vay vốn là 20 triệu đồng. Người trực tiếp “duyệt hồ sơ” cho Đ. tự xưng tên Trần Văn Tuấn và yêu cầu Đ. chuyển trước 2,8 triệu đồng với khoản phí hồ sơ và phí bảo hiểm.
Biết Đ. chưa đủ 18 tuổi, kẻ này lại “giở quẻ” khi liên tiếp yêu cầu nạn nhân chuyển thêm nhiều lần tiền với các khoản phí phát sinh như: Phí đút lót cho nhân viên duyệt hồ sơ nhanh, phí giải ngân, phí uống cà phê cho nhân viên, phí chưa đủ tuổi… Nạn nhân đã chuyển tiền cho kẻ này liên tục từ 3 tới 6,7 triệu đồng, tổng cộng 46,5 triệu đồng.
Đ. kể lại: “Em có thắc mắc về việc phát sinh nhiều thứ nhưng họ trấn an bằng cách hứa sẽ hoàn trả lại tiền vào tài khoản cho tôi khi hoàn tất hồ sơ. Đến ngày 30/3 khi em không còn khả năng chuyển tiền và cũng sinh nghi thì họ chặn số zalo, điện thoại thuê bao. Lúc này em biết em bị lừa rồi”.
Chia sẻ với PV, số tiền bị lừa này được Đ. vay mượn từ bạn bè người thân, đến khi xảy ra vụ việc thì Đ. đã không còn khả năng chi trả và chỉ biết đi làm kiếm tiền trừ nợ.
Từ lịch sử giao dịch, nhóm lừa đảo này yêu cầu Đ. chuyển tiền đến một tài khoản thuộc ngân hàng ACB tên Nguyen Trong Tinh, số tài khoản: 23921447. Đến ngày 4/4, Đ. cùng bà nội đến Công an TX. Phú Mỹ trình báo sự việc, hiện đơn vị này đã tiếp nhận đơn và sẽ chuyển hồ sơ cho đơn vị liên quan để xử lý.
PA05 cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao. |
Nhiều thủ đoạn lừa đảo
Không chỉ Đ. bị “sập bẫy” của những kẻ này lừa đảo bằng hình thức online này, trên fanpage có tên “Cảnh báo lừa đảo (Tìm kẻ lừa đảo)” cũng nhiều trường hợp bị lừa tiền với hình thức tương tự. Chị P.N cũng đăng những nội dung bị một kẻ lừa đảo vay vốn nhưng đóng phí bảo hiểm trước. Khi chị N. đã đóng xong, tài khoản này cũng “biến mất”, chị N. lúc này mới chưng hửng vì tiền vay không thấy mà mất gần 1 triệu đồng.
Trước đó, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh cũng thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng về nhiều hình thức lừa đảo online, qua ĐTDĐ… Trong đó có những nhóm đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ vay vốn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lừa đảo việc làm online.
Thủ thuật lừa đảo của những nhóm này là quảng cáo trên mạng xã hội về lợi nhuận khủng hoặc vay lãi suất cực thấp, giải ngân nhanh và thủ tục đơn giản. Các nạn nhân thiếu cảnh giác sẽ rất dễ sập bẫy những nhóm này.
Theo Thượng tá Đinh Xuân Minh, Trưởng Phòng PA05, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao (tội phạm phi truyền thống) như hiện nay rất tinh vi, phạm vi hoạt động lớn, thậm chí cả trong và ngoài nước.
Do đó khi tiền của nạn nhân được chuyển vào tài khoản của những nhóm này sẽ nhanh chóng được chuyển ra nước ngoài gây khó khăn cho quá trình điều tra xử lý.
Thượng tá Minh đề xuất: “Những loại tội phạm này cần khoanh vùng đối tượng, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản. Đồng thời cần các ban ngành đoàn thể làm công tác tuyên truyền từ nhà trường đến địa bàn dân cư để người dân nhận thức mà tránh được”, Thượng tá Minh đề xuất.
Cũng theo báo cáo tổng kết năm 2021 về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo trên địa bàn tỉnh, trong đó nổi lên các loại thủ đoạn như: Giả danh cơ quan nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa nạn nhân chuyển tiền, sử dụng MXH để lừa đảo, bán thông tin cá nhân, làm giả thẻ thanh toán dịch vụ mua hàng, kinh doanh đa cấp.
Trong năm, PA05 đã phát hiện 11 vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có 9 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc; tăng 2 vụ so với năm 2020.
PA05 cảnh báo người dân không tham gia khi chưa rõ thông tin cá nhân và công ty tuyển dụng. Không cung cấp thông tin, mã OTP, mật khẩu ví điện tử cho người khác. Thường xuyên cập nhận tin tức trên truyền thông đại chúng để biết phương thức thủ đoạn lừa đảo mà phòng tránh. Không truy cập vào những đường link lạ có chứa mã độc.
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN