Dừng hoạt động lò nấu mỡ bò không phép
Công an huyện Châu Đức vừa phối hợp chính quyền xã Bình Giã kiểm tra, phát hiện một cơ sở nấu mỡ động vật (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã) không bảo đảm vệ sinh. Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý cơ sở này.
Đội CSĐT tội phạm ma tuý, Công an huyện Châu Đức kiểm tra cơ sở nấu mỡ bò của ông Nguyễn Ngọc Thiện (ấp Gia Hoà Yên, xã Bình Giã, huyện Châu Đức). |
Trưa 14/3, sau khi nhận được phản ánh của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về việc có 1 cơ sở nấu mỡ bò hoạt động trên địa bàn xã Bình Giã gây ô nhiễm môi trường, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế - ma túy Công an huyện Châu Đức phối hợp Công an xã Bình Giã tiến hành kiểm tra cơ sở trên do ông Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, bên trong cơ sở có 4 công nhân làm việc và 3 lò đốt chế biến mỡ bằng củi đang hoạt động. Công nhân đang xay và cho mỡ bò vào lò nấu. Qua kiểm đếm, lực lượng công an phát hiện có 117 bao mỡ thành phẩm, chưa xác định khối lượng, 30 bao tóp mỡ và khoảng 100kg mỡ bò chưa chế biến.
Ông Thiện không xuất trình được giấy tờ cấp phép hoạt động chế biến thực phẩm cũng như hóa đơn, chứng từ mua bán nguyên liệu và mỡ thành phẩm; giấy tờ chứng minh nguồn gốc liên quan đến số mỡ động vật. Chủ cơ sở khai nhận, cơ sở hoạt động từ đầu năm đến nay, nguyên liệu làm mỡ động vật được ông thu mua từ lò mổ bà Thu (TP. Bà Rịa). Mỗi ngày cơ sở nhập khoảng 200kg mỡ bò; khối lượng mỡ thành phẩm được khoảng 120kg/ngày. Mỡ bò sau khi mua về nấu chưng cất để tách phần mỡ và tóp mỡ. Mỡ sau khi tách ra sẽ để nguội và đóng vào bao (mỗi bao khoảng 40kg). Mỡ thành phẩm và tóp mỡ bán cho một công ty chuyên chế biến thức ăn gia súc ở Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) với giá 6.000 đồng/kg.
Theo quan sát của PV Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ sở nấu mỡ bò rộng khoảng 150m2. Tại khu chế biến, mỡ bò tươi sống được vứt la liệt dưới nền xi măng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP), một số bốc mùi hôi. Công nhân làm việc tại đây (chủ yếu là nam thanh niên) không có bất kỳ công cụ bảo hộ lao động.
Mỡ bò tươi vứt tràn lan trên nền nhà, không bảo đảm an toàn vệ sinh. |
Về quy trình làm mỡ bò, công nhân ở đây cho biết, sau khi tách mỡ bò từ da bò, mỡ bò sẽ được cho vào máy xay nhỏ rồi đổ vào các lò nấu. Cứ khoảng 15 phút, nước mỡ sau khi nấu sẽ đổ vào thùng phuy bên cạnh, sau đó rót vào từng thùng nhựa để nguội rồi cho vào bao tải đựng thành phẩm. Còn tóp mỡ để vào bao tải bán cho các cơ sở có nhu cầu. Phần da bò cũng được ướp muối và bán cho cơ sở thu mua da.
Trao đổi với PV, một công nhân tại cơ sở cho hay, mỗi ngày cơ sở nhập về khoảng 600-700kg mỡ bò nguyên liệu và nấu từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Sau quá trình đun nấu cho ra 6-7 bao mỡ thành phẩm (mỗi bao trọng lượng 40-50kg). Mỗi đợt nấu được khoảng 100 bao thì xe tải từ TP. Hồ Chí Minh về lấy hàng mang đi tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, do anh trai chuyên phân phối thịt bò nên có mối quan hệ với cơ sở lò mổ Kim Thu. Để tận dụng các phế phẩm của bò, cũng như tạo công ăn việc làm cho người thân quen, ông cùng anh trai sử dụng đất sau nhà xây dựng cơ sở chế biến mỡ bò. “Chỉ là cơ sở nhỏ lẻ, tự phát trong gia đình nên chúng tôi không đăng ký hoạt động. Chúng tôi sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý đăng ký sản xuất cũng như giải pháp về bảo vệ môi trường”, ông Thiện phân bua.
Hiện lực lượng chức năng huyện Châu Đức đã lập biên bản, yêu cầu ông Thiện dừng ngay việc chế biến mỡ động vật không phép và thu gom chất thải phát sinh từ mỡ chưa chế biến, không để phát tán ra môi trường. Đồng thời, tạm giữ toàn bộ số mỡ động vật thành phẩm tại cơ sở để tiếp tục xử lý.
Về góc độ địa phương, ông Hồ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giã cho biết, xã sẽ phối hợp với cơ quan chức năng huyện Châu Đức xử lý rốt ráo, dứt điểm vụ việc. Đồng thời, tăng cường kiểm tra thường xuyên để bảo đảm không xảy ra cơ sở chế biến mỡ động vật chui tương tự.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG-TIỂU THIÊN