Từ ngày 25/2 đến nay, Bộ Công an đã thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) cho công dân trên phạm vi toàn quốc. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với Thượng tá Đinh Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC06), Công an tỉnh chung quanh nội dung này cũng như đưa ra khuyến cáo cho người dân nhằm tránh bị lừa đảo.
* Phóng viên: Thưa Thượng tá, tài khoản định danh điện tử là gì?
- Thượng tá Đinh Văn Bình: Tài khoản ĐDĐT bao gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân). Tài khoản này được Bộ Công an xác thực thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm tính chính xác, duy nhất và không thể trùng lắp với bất kỳ ai.
Với tài khoản ĐDĐT, công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia) mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở cơ quan nhà nước. Khi sử dụng ĐDĐT, hệ thống sẽ tự động điền thông tin công dân vào biểu mẫu, tờ khai đăng ký nên người dân không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như trước đây. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại.
Ngoài ra, công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ ba thông qua quét mã QR hoặc giải pháp kỹ thuật khác, khi hệ thống của bên thứ ba đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử của công dân.
Tài khoản ĐDĐT có thể tích hợp hiển thị các loại giấy tờ của công dân như: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, BHYT và các tiện ích khác. Đặc biệt, với ĐDĐT, công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính: thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng BHXH, y tế, chuyển tiền...
* Vậy, đăng ký tài khoản định danh như thế nào, thưa Thượng tá?
- Về quy trình, khi công dân đến cơ quan Công an huyện, thị, thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip có thể thực hiện đăng ký cấp tài khoản ĐDĐT theo các bước và cung cấp thông tin như sau:
Bước 1: Công dân thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản ĐDĐT. Thông tin đăng ký, bao gồm: số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email). Nếu công dân có nhu cầu đăng ký ĐDĐT cho những người dưới 14 tuổi có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo (nếu công dân có nhu cầu tích hợp các thông tin này vào hồ sơ đăng ký cấp tài khoản ĐDĐT).
Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia những loại giấy tờ như: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, BHXH, bảo hiểm y tế... thì mang thêm các loại giấy tờ trên, là giấy tờ gốc để đối chiếu.
Bước 2: Công dân làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip điện tử, thì cung cấp thông tin về thân nhân nếu có thay đổi và thông tin những người là nhân thân dưới 14 tuổi cùng thông tin sinh trắc.
Bước 3: Cán bộ tiếp tục xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip theo đúng quy trình cấp CCCD và số CCCD chính là số định danh điện tử.
* Tại tỉnh BR-VT khi nào triển khai cấp ĐDĐT cho người dân, thưa Thượng tá?
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh và Công an huyện, thị, thành phố đã tổ chức cấp ĐDĐT cho người dân khi có nhu cầu từ ngày 25/2/2022 đến nay.
Công an TP.Vũng Tàu cấp CCCD gắn chíp lưu động cho người dân. |
* Thời gian gần đây nhiều tỉnh thành trong cả nước bắt đầu xuất hiện kiểu lừa đảo với chiêu “kiểm chứng thông tin”, vậy trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận trường hợp nào chưa, thưa Thượng tá?
- Hiện nay, đã xuất hiện những kiểu lừa đảo với chiêu kiểm chứng thông tin của người dân để cấp tài khoản ĐDĐT. Cụ thể, đối tượng tự xưng là cán bộ, nhân viên trong lực lượng Công an đang làm việc tại bộ phận chuyên thực hiện đăng ký tài khoản ĐDĐT quốc gia, gọi điện cho công dân, đọc chính xác họ tên, năm sinh, số CCCD và yêu cầu công dân cung cấp mã xác thực (OTP) hoặc có trường hợp công dân đã được cấp tài khoản ĐDĐT, đối tượng tự xưng là cán bộ yêu cầu xác thực lại thông tin cá nhân trong tài khoản. Với chiêu thức này, có không ít người sập bẫy do đối tượng lừa đảo nói chính xác thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và số CCCD, tên người thân trong gia đình, khiến nạn nhân ban đầu dù cảnh giác nhưng rồi vẫn phải tin theo. Một khi thông tin cá nhân và mã OTP được cung cấp, đối tượng có thể sử dụng vào mục đích xấu hoặc chiếm đoạt tiền đang có trong tài khoản của người dân chỉ sau vài phút.
Trên địa bàn tỉnh BR-VT đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị lừa đảo.
Theo Quyết định 34/2021 ngày 8/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh: Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký tài khoản ĐDĐT thông qua ứng dụng ĐDĐT. Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản ĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ. |
* Thượng tá có thể nói rõ cách nhận biết đối tượng lừa đảo và người dân cần làm gì để tránh bị lừa?
- Tội phạm lừa đảo lợi dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi. Điển hình, đối tượng tạo ra các trang web, cổng thông tin điện tử giả mạo giống hệt “hàng thật” của ngân hàng, cơ quan chức năng... Từ kho “hàng giả” này, các thư điện tử, đường link chứa mã độc được gửi đến người dùng qua Zalo, Facebook, email.
Để tránh bị lừa, công dân cần chủ động không nghe hoặc cúp máy trong trường hợp nghi ngờ cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khai thác thông tin cá nhân. Thậm chí chúng dùng chiêu thức hù dọa người dùng liên quan đến hành vi phạm pháp, để yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản “cơ quan điều tra để quản lý hộ” làm rõ, chứng minh sự trong sạch cho người dân. Do vậy mọi người tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác qua điện thoại, mạng đi động; không đăng tải thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Đồng thời lưu số điện thoại đường dây nóng của chính quyền địa phương, công an cấp xã trong danh bạ sẽ giúp ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống; chủ động gọi điện cho công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để kiểm chứng lại thông tin.
* Xin cảm ơn Thượng tá!
TRÍ NHÂN
(Thực hiện)