5 bước an toàn để tránh "vạ lây" trên mạng xã hội

Thứ Tư, 23/03/2022, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

Trong thời kỳ công nghệ số (thời kỳ cách mạng 4.0), mạng xã hội (MXH) đã trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội của người dân, nó phát triển mạnh, đa dạng, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, lan truyền nhanh. Tuy nhiên, người sử dụng MXH cần tỉnh táo trước những tin giả, đăng không đúng sự thật về một sự kiện, vụ việc nào đó nhằm câu like, câu view.

Công an TP.Bà Rịa làm việc với 1 người đăng thông tin không chính xác lên mạng xã hội vào tháng 7/2021.
Công an TP.Bà Rịa làm việc với 1 người đăng thông tin không chính xác lên mạng xã hội vào tháng 7/2021.

Bên cạnh những ưu điểm, MXH có một số nhược điểm là, các thông tin giả, sai sự thật, độc hại… được đưa lên mạng rất nhiều và ngày càng có chiều hướng gia tăng, thông qua nhiều nhóm liên kết trên mạng (có cả nhóm mở và nhóm kín).

Có thể nói, MXH đã trở thành môi trường thuận lợi để lan truyền thông tin xấu độc, gây hại cho người dân và Nhà nước, mặc dù chính quyền rất tích cực và có nhiều giải pháp để hạn chế “tin fake” trên MXH, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế và chưa theo kịp sự phát triển của MXH. Chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là, các kênh thông tin chính thống chưa theo kịp nhu cầu thông tin đa dạng và giải trí của người dân như MXH.

Vậy vấn đề đặt ra là, mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết nhất định để khi tham gia MXH chúng ta vẫn thỏa mãn được yêu cầu chính đáng của mình, nhưng cũng hạn chế được tác hại mà MXH có thể tác động đến bản thân và người thân của mình, đồng thời, không bị vi phạm pháp luật.

Trước hết chúng ta nên phân biệt đâu là thông tin thật, thông tin chính thống, đâu là thông tin giả, thông tin được cắt dán, thêm bớt, giải trí… từ đó có các ứng xử với những thông tin này cho phù hợp và tránh vi phạm pháp luật. Có một số điểm cần lưu ý để phân biệt các thông tin trên MXH, xin chia sẻ 5 lưu ý sau:

Các quy định xử lý hành vi vi phạm về tung tin sai sự thật trên mạng xã hội
Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018: Nghiêm cấm hành vi “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020  xử phạt hành chính hành vi hành vi cung cấp, chia sẻ những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Với hành vi vi phạm như trên, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội  “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức phạt  tiền là từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Thứ nhất, cần kiểm chứng cơ sở cung cấp nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng thì cần cảnh giác.

Thứ hai, để có được các thông tin chính xác, người dân cần tìm và tham khảo trang thông tin của các bộ, ngành và cơ quan chức năng, thông tin từ các tờ báo chính thống có uy tín, đài phát thanh truyền hình chính thống.

Thứ ba, đối với các trang MXH của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích màu xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang MXH chính thống và các trang giả mạo.

Thứ tư, người đọc cũng cần kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả, tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Từ thông tin đó, người đọc tìm đọc lại các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu.

Thứ năm, đối với bài viết có kèm theo đường link từ một trang nào đó, cần kiểm tra mức độ tin cậy của đường dẫn, liên kết bằng cách xem tên miền đầy đủ để xác định mức độ tin cậy. Các đường link có đuôi .vn được Nhà nước quản lý sẽ tin cậy hơn tên miền .it, .tk, .info, .su không được kiểm soát.

Khi chúng ta thấy các thông tin nhạy cảm, mang tính kích động, gây hoang mang dư luận, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân…, tuyệt đối không chia sẻ, bình luận, like bài viết đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng.

Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng đã có các quy định tương đối đầy đủ để xử lý các hành vi vi phạm trên MXH, cho nên chúng ta hết sức lưu ý khi tham gia MXH.

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH TÂN

(Giám đốc Công ty luật Cộng Hòa)

 
;
.