Giải bài toán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để kinh doanh diễn ra ở nhiều nơi. Việc này không những gây mất trật tự đô thị, ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi đó, việc chấn chỉnh tình trạng này chưa được như mong muốn của người dân và chính quyền các cấp.
Lấn chiếm lòng đường để buôn bán trên đường Lý Thường Kiệt, TP. Bà Rịa. Ảnh: TRÚC GIANG |
Nguyên nhân từ đâu?
Nguyên nhân đầu tiên không thể không nhắc tới là một số người có tư tưởng biến của công thành của riêng, trong đó có lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh buôn bán. Nhưng một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là nhiều người thấy tiện lợi hơn khi dừng xe mua một món hàng thiết yếu bên đường hơn là vào chợ, siêu thị. Có lẽ vì vậy mà chúng ta thấy hầu như cứ nơi nào có tập trung đông người thì nơi đó diễn ra cảnh lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là những người buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè đa phần từ nơi khác đến. Chưa bàn đến chất lượng của những sản phẩm này, chỉ nói về giá cả thì những mặt hàng bán ở lòng, lề đường thường có giá “mềm” hơn vì người buôn bán thường lấy công làm lãi, mua tận gốc, bán tận ngọn và không tốn chi phí thuê quầy, sạp. Trong khi đa số người mua là lao động có mức chi tiêu thấp.
Các chế tài xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã có tương đối đầy đủ. Về chủ trương, ngày 4/9/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/CP, ngày 19/2/2019 “về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021”. Về pháp lý, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt...
Nghị định 100 quy định rõ mức xử phạt, đối tượng bị xử phạt và cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, trên thực tế ở hầu hết các địa phương, những đợt ra quân xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường thì đối tượng bị xử phạt hầu như chỉ là các hộ kinh doanh, người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường mà đã bỏ quên một đối tượng rất quan trọng, đó là người mua.
Làm gì để khắc phục?
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tục tổ chức các đợt ra quân xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, việc duy trì liên tục các đợt ra quân xử phạt gặp nhiều khó khăn và dễ rơi vào tình trạng tái diễn như ở nhiều nơi. Do vậy, cùng với việc xử lý người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, có lẽ đã đến lúc cần xử lý cả người mua.
Từ lý luận đến thực tiễn chứng minh nếu không có cầu thì cung sẽ phải thay đổi hoặc biến mất, tức không có người mua thì người bán sẽ phải tìm một nơi phù hợp có người mua để bán được hàng. Chủ trương cùng với hành lang pháp lý đã có. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường. Cụ thể là xử lý tất cả những cá nhân tham gia giao thông dừng, đỗ ở lòng, lề đường hoặc vỉa hè để mua bán hàng hóa. Chỉ khi đó, người mua mới không còn thấy “tiện” và với mức xử phạt đủ để họ cũng không còn thấy “lợi” khi dừng đỗ mua hàng dưới lòng, lề đường hoặc vỉa hè.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta làm tốt được việc này thì quy hoạch “mua có nơi, bán có chỗ” của từng địa phương đã vạch ra mới có thể thực thi một cách hiệu quả. Từ đó, câu chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường có thể giải quyết được phần nào và nhiệm vụ trả lại hè thông lề thoáng cho người tham gia giao thông cũng như nâng cao và góp phần đảm bảo trật tự và nâng cao an toàn cho người tham gia giao thông.
DƯƠNG QUANG TẤN
(Ban ATGT tỉnh BR-VT)