.
KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LUẬT SƯ VIỆT NAM (10/10/1945 - 10/10/2021)

Sứ mệnh bảo vệ công lý và phẩm giá con người

Cập nhật: 19:10, 10/10/2021 (GMT+7)

 Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2021), luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã gửi đến Báo Bà Rịa - Vũng Tàu bài viết về nghề luật sư. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng, Đoàn Luật sư tỉnh tham gia bào chữa cho người yếu thế tại một phiên tòa. Ảnh: TRÚC GIANG
Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng, Đoàn Luật sư tỉnh tham gia bào chữa cho người yếu thế tại một phiên tòa. Ảnh: TRÚC GIANG

Cơ duyên đến với nghề luật sư

Đầu năm 1986, sau khi tốt nghiệp Đại học Pháp lý Hà Nội, với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, kèm lý lịch từng phục vụ trong quân đội 6 năm và là một đảng viên trẻ, tôi đứng trước nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng thật bất ngờ, tôi đã được lựa chọn làm trợ lý cho Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc thời điểm ấy, phụ trách việc theo dõi về tư pháp, nội chính tại cơ quan.

Ngày 18/12/1987, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Tổ chức Luật sư số 2A-LCT/HĐNN8. Đây chính là cột mốc quan trọng, khôi phục lại tổ chức và hoạt động của nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam. Trước Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987, hoạt động nghề nghiệp luật sư chưa được công nhận, thay vào đó là chế định bào chữa viên nhân dân theo Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 và Nghị định số 01/NĐ-VY ngày 12/1/1950 của Bộ Tư pháp.

Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đã quy định cho duy trì các tổ chức đoàn thể luật sư. Sắc lệnh 46/SL nêu rõ: “Cách tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ. Sắc lệnh ngày 25/5/1930 quy định tổ chức ấy vẫn tạm thi hành với các điều sửa đổi sau này. Luật sư có quyền bào chữa ở trước tất cả các tòa án”.

Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945 đã trở thành một cột mốc quan trọng, nên đến năm 2013, Chính phủ đã cho phép chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống luật sư Việt Nam.

Nghiên cứu Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 từ những ngày đầu khi pháp lệnh này được ban hành, tôi vui mừng nhận thấy nghề nghiệp luật sư có những điểm vô cùng hay, rất đáng để mình tìm hiểu và xin gia nhập. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia Đoàn Luật sư tỉnh Hà Bắc. Đầu những năm 1990, tôi chuyển công tác vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh được thành lập vào năm 1991) và cũng đăng ký tham gia Đoàn Luật sư Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tiền thân của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Năm 2019, tôi nhận được sự tín nhiệm và được bầu giữ chức Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có hơn 200 luật sư chính thức và hơn 50 người tập sự hành nghề luật sư, là đoàn luật sư lớn thứ 6 cả nước.

Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương, Đoàn Luật sư tỉnh đã đáp ứng được cơ bản các nhiệm vụ chính trị xã hội, tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tố tụng một cách kịp thời đầy đủ đúng pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân DN trong tỉnh, đồng hành với các nhiệm vụ chính trị xã hội của tỉnh trong tất cả các sự kiện pháp lý quan trọng, nổi bật là vụ hỗ trợ hàng ngàn hộ dân khởi kiện công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường, hỗ trợ hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè kiện 14 doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm, làm chết cá trên sông Dinh...

Lời nhắn gửi đến thế hệ luật sư tương lai

Người ta ví luật sư như những “hiệp sĩ” xả thân mình để bảo vệ công lý. Nếu công việc của bác sĩ là cứu sống tính mạng về sinh học của con người thì hoạt động nghề nghiệp của luật sư có thể góp phần cứu sống thân phận pháp lý của người khác. Trong xã hội hiện nay, nghề luật sư ngày càng được trọng vọng. Chuyên ngành luật học tại các trường đại học cũng được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm.

Trước đây, sinh viên tốt nghiệp ngành luật thường sẽ không định hướng trở thành luật sư ngay, đội ngũ luật sư thời điểm đó chủ yếu là các cựu cán bộ ngành công an, tòa án, kiểm sát ra làm luật sư. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều sinh viên trẻ tốt nghiệp ra trường và định hướng theo nghề luật sư ngay. Điều này góp phần tạo nên đội ngũ luật sư đa dạng.

Để gắn bó với nghề luật sư, bên cạnh nhiệt huyết tuổi trẻ, các bạn luật sư trẻ cần có đam mê với nghề. Xã hội không ngừng phát triển và vì vậy pháp luật cũng liên tục điều chỉnh cho phù hợp. Luật sư phải không ngừng học hỏi, tiếp thu những kiến thức pháp lý, kinh nghiệm hành nghề để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu từ khách hàng. Nghề luật sư cũng phải đối diện với không ít những cám dỗ mà nếu không tỉnh táo, không giữ được cái đầu lạnh, luật sư sẽ rất dễ sa ngã. Tôi mong rằng các thế hệ luật sư trẻ, luật sư tương lai sẽ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư, trở thành những “hiệp sĩ” thực thụ để bảo vệ công lý.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

.
.
.