Bộ Công an phối hợp với ngành y tế, giao thông vận tải và địa phương duy trì hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an toàn phòng dịch cho người dân về quê bằng phương tiện cá nhân.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 271/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 4/2021.
Thông báo nêu rõ trong 9 tháng năm 2021, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tốt.
Lực lượng chức năng hướng dẫn đoàn xe giảm tốc độ, xuống xe khai báo y tế khi vào địa bàn Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, giảm 2.527 vụ (giảm 23,64%), số người chết giảm 817 người (giảm 16,37%), số người bị thương giảm 2.237 người (giảm 28,38%).
Ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến chính ra vào Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính (trước khi đợt dịch COVID-19 bùng phát) cơ bản được kiểm soát.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, với sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, dịch COVID-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế-xã hội sẽ từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại, dự báo hoạt động giao thông vận tải sẽ dần quay về với mức độ trước khi có đại dịch COVID-19 và tiếp tục gia tăng.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, quý 4 cũng là giai đoạn chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá tăng mạnh, tạo áp lực lớn cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Vì vậy, để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông và phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả, Phó Thủ tướng giao Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược bảo đảm an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Chủ tịch Ủy ban trong tháng 10/2021; dự thảo văn bản chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, bảo đảm thống nhất thực hiện đối với các bộ, ngành và các địa phương.
Tổ chức các đoàn liên ngành do các Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia làm trưởng đoàn, đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông tăng trong quý 3, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 128 trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông
Bộ Giao thông vận tải kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương trong việc triển khai Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô; đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp, mở rộng và kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống các tuyến quốc lộ do Trung ương quản lý.
Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm chiều cao tĩnh không và an toàn giao thông đường thuỷ khi thiết kế cầu đường bộ, đường sắt và các công trình vượt sông; chủ động hướng dẫn tổ chức vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không theo Nghị quyết số 128 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Công an chủ động dự báo tình hình dịch COVID-19 ở địa phương để có phương án bố trí lực lượng, phương tiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong bối cảnh nới lỏng giãn cách.
Tiếp tục phối hợp với ngành y tế, giao thông vận tải và địa phương duy trì hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an toàn phòng dịch cho người dân buộc phải rời Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An về quê bằng phương tiện cá nhân.
Báo cáo tiến độ thực hiện đề án Đầu tư, lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
Tham gia phối hợp với ngành giao thông vận tải trong công tác tổ chức lại giao thông, nhất là trên các tuyến giao thông phức tạp, kịp thời phát hiện và xử lý các bất hợp lý về tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Bộ Y tế nắm chắc tình hình và dự báo diễn biến dịch COVID-19; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn hoặc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giao thông vận tải và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Các bộ, ngành, cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phòng, chống COVID-19 của người tham gia giao thông; kiên trì tuyên truyền, vận động thực hiện “Đã uống rượu, bia không lái xe,” “Đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy,” “Lái xe không nghe điện thoại”…
Lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn, phân luồng đoàn xe của người dân đi từ các tỉnh phía Nam về quê qua địa bàn Hà Nội. (Ảnh: TTXVN |
Thống nhất kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông theo đúng Nghị quyết số 128 của Chính phủ
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ (đối với những địa phương chưa thực hiện), đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện thống nhất về yêu cầu, nội dung, phương thức tổ chức kiểm soát dịch đối với người và phương tiện trên các tuyến giao thông theo đúng Nghị quyết số 128, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, xã hội và doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông gắn chặt với tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, gắn với thực tiễn của địa phương.
Có phương án phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hành vi đua xe và tổ chức đua xe trái phép, cương quyết xử lý, trấn áp theo quy định pháp luật những đối tượng manh động chống người thi hành công vụ.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện những giải pháp cụ thể về nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; kết quả việc di dời các cơ quan Trung ương, trường học, bệnh viện lớn ra khỏi trung tâm thành phố.
Tiếp tục thực hiện và duy trì bảo đảm trật tự lòng, lề đường, vỉa hè, tránh hiện tượng tái lấn chiếm; việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị trực tiếp quản lý.
TTXVN