.
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

Xử lý trách nhiệm về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"

Cập nhật: 18:50, 05/07/2019 (GMT+7)

Hỏi: Người vay vốn nhưng không sử dụng vốn vay đúng mục đích tư, sản xuất, kinh doanh, mà lại sử dụng vốn để tiêu xài (xây nhà, mua ô tô…) dẫn đến không trả được nợ thì có bị coi là "sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản", có bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" không?

(Lê Thị Hồng – TP.Bà Rịa)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 175 “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” Bộ luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017), người nào có hành vi “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” tùy theo trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 175 Bộ luật Hình sự sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự. 

Như vậy, mặc dù người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích đề nghị vay (đầu tư, sản xuất, kinh doanh), nhưng không dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp như buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, cờ bạc, mua bán ma túy... mà dùng vốn vay để tiêu xài (xây nhà, mua ô tô...) dẫn đến khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để bị xử lý trách nhiệm hình sự. 

Tuy nhiên, trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng (có nhà, đất, tài sản giá trị khác) nhưng cố tình không trả, chây ỳ, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản... thì bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự.

Luật gia: THANH MAI

.
.
.