"Cát tặc" trở lại với thủ đoạn mới
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có biện pháp mạnh để chấn chỉnh nạn khai thác khoáng sản trái phép. Những “điểm nóng” cố định đến nay hầu như đã được xóa bỏ. Thế nhưng, gần đây, “cát tặc” bắt đầu có dấu hiệu cựa quậy trở lại với thủ đoạn sử dụng phương tiện cơ động, dễ dàng tẩu tán và trốn thoát khi bị phát hiện.
Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra tàu HD 2282 là 1 trong 7 tàu vận chuyển cát không chứng minh được tính hợp pháp của khối lượng cát đang vận chuyển vào ngày 25/6. |
DỄ DÀNG “CAO CHẠY XA BAY” KHI BỊ PHÁT HIỆN
Sáng 2/7, men theo con đường đất giữa khu vườn tràm, chúng tôi tìm đến một địa điểm đang có dấu hiệu khai thác cát trái phép tại hồ Châu Pha (ấp Tân Tiến, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ). Con đường dẫn vào khu vực này đã bị băm nát bởi xe tải. Tiến sâu vào bên trong, chúng tôi thấy một điểm tập kết cát với dấu bánh xe tải chi chít. Điểm tập kết cát rộng khoảng gần 100m2, xung quanh quây tôn cao hơn 1m để che chắn. Từ điểm tập kết cát này, chúng tôi phát hiện 1 ống nhựa mềm màu xanh dài khoảng hơn 100m được cắm xuống lòng hồ Châu Pha.
Nhìn thấy chúng tôi, một người đàn ông đang đứng tại điểm tập kết cát, hất hàm hỏi: “Các anh vào đây làm gì?”. Chúng tôi trả lời: “Đang đi kiểm tra hồ chuẩn bị tích nước mùa mưa”. Không rời mắt quan sát mấy vị khách “không mời mà đến”, người đàn ông này liên tục gọi điện thoại như đang thông báo điều gì với ai đó.
Vết bánh xe ô tô tải còn hằn mới tại điểm bơm hút cát khu vực hồ Châu Pha. |
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Đình Ơn, Chủ tịch UBND xã Châu Pha cho biết, thời gian qua, UBND xã đã chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các địa điểm có nguy cơ xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, đặc biệt là ở khu vực hồ Châu Pha. Vừa qua, lực lượng của xã đã phối hợp với Công an TX.Phú Mỹ đã bắt quả tang một số đối tượng khai thác cát trái phép tại ấp Tân Tiến, thuộc khu vực lòng hồ Châu Pha. “Nhưng việc ngăn chặn các đối tượng khai thác cát trái phép rất khó khăn vì chúng hoạt động tinh vi, cơ động. Chúng đặt máy nổ trên xe tải để lấy điện phục vụ việc bơm hút cát. Đồng thời cắt cử người canh chừng từ xa. Khi phát hiện có lực lượng kiểm tra, các đối tượng sẽ nhanh chóng cất phương tiện khai thác cát lên xe tải và rời khỏi khu vực”, ông Trần Đình Ơn cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép lén lút và cơ động. Cụ thể, ngày 25/6, tại khu vực sông Mỏ Nhát thuộc phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra 7 tàu mang số hiệu BV 1274, LA 07294, LA 07366, LA 07142, HP 5959, BV 2979 và HD 2282. Tại thời điểm kiểm tra, 7 tàu đang chở khoảng 4.450m3 cát. Thuyền trưởng các tàu không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp số cát trên, không có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 7 tàu chở cát không phép và đưa về vịnh Gành Rái (vùng biển Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra, xử lý.
Một điểm tập kết vật liệu xây dựng không phép trên đường 2/9, TP.Vũng Tàu. Ảnh: SƠN KHÊ |
Trước đó, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 16/2, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, bắt quả tang 3 phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Mỏ Nhát, thuộc khu vực phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ. Tại hiện trường, 2 phương tiện thủy mang số hiệu BV1332 và SG7205 đã thực hiện hành vi bơm hút cát lên sà lan BV1646. Tổng số cát nhiễm mặn trên 3 phương tiện hơn 40m2. Tại thời điểm kiểm tra, chủ 3 phương tiện trên không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp phép, không xuất trình được các loại giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn của các thuyền viên trên tàu.
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Theo Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh có 24 khu vực quy hoạch khai thác cát và vật liệu san lấp trên bờ với tổng diện tích gần 565ha, trữ lượng hơn 41 triệu m3. Trong đó, có 13 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp và cát theo quy hoạch khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, không có điểm mỏ quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển. Ngoài ra, có 1 điểm mỏ do Bộ TN-MT cấp phép và 1 điểm mỏ do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) cấp phép. Toàn tỉnh hiện có 175 bến, bãi tập kết, kinh doanh khoáng sản, vật liệu xây dựng, trong đó có 85 điểm không có giấy phép. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý hành chính 167 trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản, tịch thu gần 15 ngàn m3 cát, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,2 tỷ đồng; Xử lý 30 vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động tập kết, kinh doanh bến bãi khoáng sản với số tiền xử phạt hơn 63 triệu đồng. |
Giữa tháng 6/2019, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ kiểm tra công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, để xử lý triệt để vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, cần tăng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm. Đồng thời, cần hoàn thiện quy chế quản lý, xử lý và cấp phép các loại phương tiện vận chuyển khoáng sản.
Về các nội dung mà tỉnh BR-VT đề xuất, Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an, cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh BR-VT để xây dựng quy chế quản lý, xử lý và cấp phép các loại phương tiện vận chuyển khoáng sản. Thiếu tướng Lê Tấn Tảo cũng lưu ý, cơ quan công an các địa phương phải bám sát địa bàn, nắm chắc hoạt động của những đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Và khi phát hiện vi phạm phải kịp thời xử lý, nghiêm minh.
Bài, ảnh: SƠN KHÊ