.

Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Bảo đảm đúng pháp luật, quyền và lợi ích của công dân

Cập nhật: 19:06, 25/05/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp, thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng. Nhờ đó, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo đảm, hoạt động tố tụng được khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ án để xử lý đúng pháp luật.

Trung tâm TGPL tỉnh phối hợp với Viện KSND huyện Châu Đức tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người dân huyện Châu Đức.
Trung tâm TGPL tỉnh phối hợp với Viện KSND huyện Châu Đức tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người dân huyện Châu Đức.

Bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết, trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, một số cơ quan tố tụng đã xem xét những người tham gia tố tụng trong vụ án có thuộc diện được TGPL hay không và hướng dẫn họ làm đơn yêu cầu trợ giúp. Khi có đơn yêu cầu của người thuộc diện được TGPL, Trung tâm TGPL tỉnh sẽ tiếp cận thông tin, rà soát, kiểm tra và cử trợ giúp viên hoặc luật sư là cộng tác viên vào cuộc. Các cơ quan tố tụng cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm TGPL tỉnh thực hiện nhiệm vụ trợ giúp trong tố tụng. Do vậy, các trợ giúp viên, luật sư khi tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.

Bà Đỗ Thị Minh Thúy, Phó Trưởng phòng Tư pháp TX.Phú Mỹ cho biết, thông qua hoạt động TGPL đã phát hiện ra các chứng cứ, tình tiết quan trọng, góp phần giúp những người tiến hành tố tụng làm sáng tỏ, giải quyết vụ án đúng quy trình tố tụng theo quy định pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ TGPL trong hoạt động tố tụng còn giúp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đối tượng được trợ giúp, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết các quy định pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các đương sự. 

Phần lớn các vụ án hình sự, dân sự được trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên tham gia từ giai đoạn đầu của hoạt động tố tụng cho đến khi xét xử vụ án nên hiệu quả đạt được khá cao. Chẳng hạn, Lê T.B. (SN 1985, ngụ huyện Xuyên Mộc) là một đối tượng được TGPL trong vụ án hình sự. Theo hồ sơ, B. phạm tội “Dâm ô với trẻ em” tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) vào tháng 11-2017. Gia đình B. thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia, bản thân B. không được học hành, không biết chữ. Với hành vi “Dâm ô trẻ em”, lẽ ra B. phải chịu mức án cao (theo quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, trường hợp này có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm), nhưng sau khi các cơ quan tố tụng xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cùng với sự tham gia trợ giúp của luật sư cộng tác viên Trung tâm TGPL từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử, nên B. chỉ bị TAND huyện Xuyên Mộc tuyên phạt 10 tháng tù treo và buộc bồi thường cho gia đình bị hại 8 triệu đồng. 

Tương tự, bị cáo Thạch T. (SN 1987, quê Trà Vinh), trú tại TT.Phước Hải (huyện Đất Đỏ) bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Do mâu thuẫn trong lúc uống rượu và bị H. đấm vào mặt, T. đã dùng thanh gỗ ở xưởng cá nơi T. làm việc đánh vào đầu H. gây thương tích 42%. T. là người dân tộc Khơme nên thuộc đối tượng được TGPL. Trong quá trình tố tụng, luật sư cộng tác viên của Trung tâm TGPL bào chữa cho T. đã phân tích các tình tiết giảm nhẹ như: trình độ văn hóa thấp, không biết chữ, không am hiểu pháp luật, không lường hết được hậu quả mà mình gây ra, phạm tội trong trường hợp bị kích động (do bị tấn công trước), phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự… Vì vậy, luật sư đã đề nghị HĐXX xem xét, áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội. Sau khi xem xét nội dung vụ án, HĐXX tuyên phạt T. 5 năm tù giam (theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, trường hợp này có thể bị phạt tù đến 6 năm). 

Bà Lê Thị Thúy cho biết thêm, để công tác TGPL trong hoạt động tố tụng cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách ngày càng đạt hiệu quả, thời gian tới, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL trong hoạt động tố tụng; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tham gia tố tụng, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng được TGPL. 

Năm 2017, toàn tỉnh có 1.772 vụ việc được TGPL, trong đó có 257 vụ việc tham gia tố tụng (105 vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến Trung tâm TGPL). 4 tháng đầu năm 2018, tổng số vụ việc được TGPL là 222 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 50 vụ

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

.
.
.